Với những gia đình mới có con nhỏ, nhất là “con đầu, cháu sớm” thường sẽ gặp phải những bối rối nhất định với mỗi bước phát triển của bé. Khi bé bắt đầu ăn dặm thì cũng sẽ có nhiều điều họ phải băn khoăn:
Một người mẹ thắc mắc: ‘Tôi nên bắt đầu cho bé ăn dặm thế nào?’
– Bạn có thể chọn một thời điểm phù hợp trong ngày để cho bé thưởng thức những thìa bột ăn dặm đầu tiên. Bạn không nên cho bé bắt đầu ăn dặm vào buổi sáng vì lúc này, nhiều bé thường bị đói nên dễ quấy khóc.
– Lúc đầu bé có thể chỉ ăn rất ít nhưng bạn nên kiên nhẫn. Khi đã quen, bé sẽ ăn được nhiều bột hơn.
– Bạn nên chọn loại thìa mềm dành riêng cho quá trình ăn dặm của bé.
– Khi bé đã biết ăn các loại thực phẩm nghiền thì bạn có thể quấy bột đặc hơn. Điều này sẽ giúp bé học được kỹ năng nhai và nuốt.
– Dấu hiệu bé đã ăn no là: Bé bắt đầu nghịch thìa, nhè hoặc ngậm bột trong miệng.
– Bé mới ăn dặm có thể làm rơi vãi thức ăn lên quần áo và sàn nhà. Vì vậy, bạn nên chú ý những điều kiện vệ sinh cho bé.
2. ‘Tôi có nên nêm đường (hoặc muối) vào bột ăn dặm của bé?’
– Không cần thiết. Nguyên nhân là vì bột ăn dặm đã chứa đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé. Bé cũng cần được ăn nhạt. Ngoài ra, nhiều bé rất nhạy cảm với mùi vị. Nếu bạn nêm gia vị vào bột ăn dặm, bé có thể “không thích” và từ chối món ăn này.
3. ‘Cho bé làm quen với thực phẩm mới như thế nào?’
– Khi muốn cho bé thử thức ăn mới, bạn nên cho bé ăn từng chút một. Bé cần thời gian để thích ứng với thức ăn mới. Đồng thời, bạn cũng nên xem xét những dấu hiệu dị ứng thức ăn ở bé.
– Bạn có thể cho bé bắt đầu làm quen với các loại rau xanh, vốn rất dễ tiêu hóa với bé. Bên cạnh đó, bạn có thể cho bé ăn thêm nước hoa quả, nước rau… để bé ngon miệng lại giàu dinh dưỡng.
4. ‘Những loại thực phẩm nào cần lưu ý với bé?’
– Những loại thức ăn nhỏ, cứng; những miếng hoa quả có cả vỏ cứng; những miếng thịt còn nguyên xương… có thể khiến bé bị hóc, nghẹn. Ngoài ra, bạn cũng không nên cho bé sử dụng những loại hạt, bỏng ngô hoặc miếng xúc xích.
– Bạn không nên cho bé dưới một tuổi sử dụng mật ong. Bởi vì mật ong chứa nhiều bào tử gây ngộ độc mà hệ tiêu hóa của bé chưa hấp thu được.
– Bạn cũng nên tránh cho bé dưới một tuổi dùng sữa bò. Dù sữa bò giàu protein, muối, kali, photpho, canxi nhưng do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh nên bé cũng khó hấp thu dưỡng chất này.
– Bạn nên hạn chế cho bé dưới một tuổi dùng củ cải trắng, súp lơ xanh. Bởi vì, hai loại thực phẩm này có chứa nhiều nitrate.
– Bạn cũng nên hạn chế các loại thức ăn nhiều chất ngọt, nhiều gia vị cho bé. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến những loại thực phẩm cần tránh khác trong quá trình ăn dặm của bé.
5. ‘Những món ngon miệng cho bé 4-6 tháng tuổi là gì?’
Khi mới ăn dặm, nhiều bé thích các loại rau, quả có vị ngọt. Tuy nhiên, bạn nên cân bằng các loại thực phẩm cho bé, nhất là nguồn thức ăn bổ sung chất sắt.
Khoai tây nấu chín, nghiền kỹ và món chuối chín sẽ khiến bé dễ hấp thu, tránh táo bón. Ngoài ra, các bé trong giai đoạn này cũng thích ăn táo, lê chín được nghiền nhuyễn.
6. ‘Món ngon miệng cho bé 6-9 tháng tuổi?’
Thịt nạc hoặc thịt gà là loại thức ăn giàu chất sắt lại ngon miệng cho bé ở giai đoạn này.
Ngoài ra, bạn có thể cho bé ăn thêm đậu phụ, sữa chua, hoa quả nghiền nát hoặc nước hoa quả nguyên chất.
7. ‘Món ngon cho bé 9-12 tháng tuổi?’
Giai đoạn này, phần lớn các bé đã mọc răng. Bé cũng bắt đầu làm quen với quá trình ăn bốc. Vì thế, ngoài việc sử dụng thức ăn dạng nghiền, bé có thể dùng được các loại thức ăn mềm, thái nhỏ như: đậu phụ mềm, được cắt miếng; những miếng hoa quả mềm, nhỏ; thịt xay hoặc những miếng thịt nhỏ được nấu chín; nước hoa quả tươi…
8. ‘Tại sao bé nhà tôi lại đi tiêu phân rắn hơn sau khi ăn dặm?’
Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy sự thay đổi về màu sắc và độ rắn ở phân bé sau khi bé ăn dặm. Bác sĩ cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường. Nhiều trường hợp, bạn còn có thể thấy những mẩu thức ăn chưa được tiêu hóa hết có lẫn trong phân của bé.
9. ‘Khi nào bé bắt đầu gặm được thức ăn?’
Khoảng 7-9 tháng tuổi, bé bắt đầu gặm được các loại thức ăn được nấu mềm, cắt miếng phù hợp. Các món ngon cho bé tập gặm là carrot, bí đỏ, khoai lang hấp chín, thái lát mỏng; các loại hoa quả tươi cắt miếng mỏng như táo, lê, chuối…
Tuy nhiên, bạn không nên để cho bé tự ăn để phòng tránh nguy cơ bé bị hóc.