Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chưa bao giờ, Trung tâm phải điều trị cùng lúc nhiều trẻ bị ngộ độc chì đến vậy. Từ Tết đến nay đã có hơn 130 bé nhập viện, có đợt phải nằm ghép 2-3 trẻ một giường”.
Thấy cậu con trai 13 tháng tuổi tự dưng không sốt nhưng ho, trớ, co giật cứng người, chị Thủy (Hoài Đức, Hà Nội) vội vàng đưa con đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán viêm màng não. Sau 10 ngày điều trị bé hết co giật nhưng không tỉnh táo.
Không những thế, kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu đạt mức 81,6%. Ngay lập tức và bé được chuyển sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để thải chì.
Theo lời kể của chị Thủy, ở quê chị, gia đình nào có con nhỏ cũng mua thuốc cam cho uống để trẻ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh… Cũng vì thế, ngay từ khi con mới được 4 tháng tuổi, chị đã mua thuốc này về bồi bổ cho con, lớn hơn thì trộn cả vào cháo cho ăn.
“Thấy hàng xóm người ta cũng cho con uống thuốc cam mà có thấy ốm đau gì đâu nên mình mới thử. Ai ngờ lại thành đầu độc con mà chả biết con có khỏi bệnh được không nữa”, chị Thủy buồn bã nói.
Ngoài việc dùng thuốc cam để “bồi bổ”, tại trung tâm cũng đang điều trị cho các bé bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam bôi, uống chữa loét miệng như trường hợp một bé 9 tháng tuổi ở An Tường, Vĩnh Phúc. Hiện bé vẫn lơ mơ chưa tỉnh.
Theo lời kể của gia đình, thấy con bị loét miệng, họ đi mua thuốc cam về để bôi và uống. Được 2 lần thì thấy con vẫn bình thường thế nhưng đến lần thứ 3 thì bé bắt đầu nôn trớ, co giật, phải đưa đi cấp cứu.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ nhập viện vì ngộ độc chì do thuốc cam chủ yếu dưới 3 tuổi, thậm chí có cả trẻ 1 tháng tuổi. Trong đó, nhiều nhất là ở Bắc Giang, Hưng yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa…
“Đợt nào đông có đến 9 – 10 trẻ nhập viện cùng một lúc. Dù trung tâm đã dành riêng hẳn một phòng cho các bé, nhưng vẫn phải nằm ghép”, tiến sĩ Duệ nói.
Cũng theo ông, chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói. Sau đó, trẻ có thể co giật từng cơn, vì thế dễ nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ dễ hôn mê và tử vong.
Điều đáng nói là thời gian điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc chì rất lâu, có thể kéo dài hàng năm trời. Thế nhưng những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục được, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, tiến sĩ Duệ cho biết.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng thuốc cam gây độc cho trẻ như thế này khá phổ biến. Vì thế, ông khuyến cáo cha mẹ cần thận trọng khi cho con dùng thuốc cam đặc biệt không bao giờ dùng thuốc ở những người bán rong, bán ở chợ… Những thuốc này không được kiểm nghiệm, không biết thành phần có gì, thậm chí không rõ nguồn gốc từ đâu.
Những cha mẹ nào từng cho con uống thì nên đưa con đi xét nghiệm máu để xem có bị ngộ độc chì không.