Các bậc phụ huynh ai cũng muốn dạy dỗ con cái mình thật tốt. Nhưng nếu phạm phải sai lầm trong việc dạy dỗ thì sẽ phản tác dụng. Dưới đây là những cách dạy con phổ biến nhưng không hiệu quả, cha mẹ cần tránh.
Mỗi bậc cha mẹ có cách dạy dỗ con cái khác nhau. Có người chỉ thích làm “mẹ Hổ”, có người nghiêm khắc độc đoán, lại có người tự do thoải mái cho con muốn làm gì cũng được.
Dưới đây là những cách dạy con phổ biến (nhưng không hiệu quả) và tác động của chúng tới sự phát triển tâm sinh lý ở trẻ:
Tự do
Những người được cha mẹ dạy dỗ theo phong cách tự do có thể sẽ cho là mình rất may mắn. Ở tuổi đang lớn, chẳng ai lại không thích có bố mẹ thoáng tính, sẵn sàng cho con đi chơi về muộn, hay có bạn trai/bạn gái từ khi mới học cấp 2, cấp 3. Vấn đề nằm ở chỗ trẻ nhỏ luôn có giới hạn về khả năng nhận thức hành vi, và chúng cần những khuôn khổ nhất định để có thể trưởng thành đúng hướng. Khi được thoải mái làm bất cứ thứ gì chúng muốn, trẻ dễ trở nên hư, ngang bướng, không biết điểm dừng.
Quá nghiêm khắc
Một thái cực khác có thể tìm thấy trong việc dạy dỗ con cái là tỏ ra thật nghiêm khắc, kiểm soát từng đường đi nước bước của trẻ và không hoan nghênh, hay cấm đoán những nỗ lực hình thành tính cách cá nhân ở trẻ khi không đúng ý mình. Thường thì khi càng bị cấm đoán nghiêm khắc, trẻ sẽ càng có biểu hiện chống đối, hoặc ra mặt, hoặc ngấm ngầm, và hậu quả đôi khi khiến người lớn không thể ngờ tới.
“Mẹ Hổ”
Kiểu giáo dục này đang ngày càng phổ biến, nhất là trong những nền văn hóa có phần nghiêm khắc và ở những bậc cha mẹ có sự cầu toàn thái quá. Các “mẹ Hổ” tin rằng việc cho con học hành thật nhiều và chỉ tham gia các hoạt động có tính học thức như chơi piano, violin,… là cách tốt nhất để trẻ nên có giáo dục, có văn hóa, trở thành người có vị trí trong xã hội sau này. Dĩ nhiên, cha mẹ nên định hướng và khuyến khích con cái học tập tốt nhất, tuy nhiên mọi thứ chỉ nên có giới hạn. Trẻ nhỏ vẫn cần thời gian vui chơi và tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa. Tuổi thơ là quãng đời đẹp và vô tư nhất trong cuộc đời mỗi người. Đừng biến nó trở thành nỗi ám ảnh của con bạn.
Độc đoán
Đây có thể coi là cách giáo dục phản khoa học nhất. Các bậc cha mẹ độc đoán không cho con được tự quyết định bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc sống riêng, luôn bắt chúng sống theo cách cha mẹ muốn ngay cả khi con cái đã đủ trưởng thành. Một số bậc cha mẹ cảm thấy khó chấp nhận việc con cái họ đủ khả năng tự quyết định cuộc đời của chính chúng, do đó không ngừng can thiệp vào chuyện riêng của con.
Luôn làm luật
Cách giáo dục này vừa mang hơi hướng nghiêm khắc, vừa có một chút độc đoán. Các bậc cha mẹ dạy con kiểu này thường hay có câu: “Trong nhà này bố/mẹ là người đề ra luật”, và phạt nghiêm khắc khi con cái không làm theo. Dĩ nhiên trẻ nhỏ cần những quy tắc nhất định để có thể phát triển đúng hướng, nhưng việc nới lỏng vừa đủ và răn dạy nhẹ nhàng sẽ khiến mối quan hệ cha mẹ – con cái bớt căng thẳng hơn nhiều.
Xa cách
Một số bậc phụ huynh thường viện cớ công việc quá bận rộn nên không thể quan tâm chăm sóc đầy đủ cho gia đình và con cái. Vài bậc cha mẹ khác thậm chí còn tỏ ra lạnh lùng và không mấy tình cảm với con. Bạn có thể cho rằng cách thể hiện tình cảm không đóng vai trò gì ghê gớm, nhưng sự xa cách về lâu về dài chắc chắn sẽ gây ra những rạn nứt và khiến lũ trẻ trở nên không mấy yêu quý cha mẹ.
Mắng nhiếc
Ai cũng biết, làm cha mẹ không hề dễ, nếu không muốn nói là rất mệt mỏi và dễ gây cáu gắt. Tuy nhiên, việc gào thét mắng mỏ con, dùng những lời nói gay gắt quá đáng, thậm chí tục tĩu với con khi mất bình tĩnh không bao giờ là cách cư xử khôn ngoan. Việc này sẽ khiến mối quan hệ càng trở nên xa cách và hình thành trong trẻ những nét tính cách xấu khó bỏ.