Trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM với học sinh (HS) THPT diễn ra ngày 28-3, đa số đều cho rằng chương trình học ở bậc phổ thông là quá nặng về lý thuyết, áp lực học tập ngày càng cao, kỹ năng sống của học sinh đang thiếu trầm trọng…
Học sinh hay máy photo
Chủ đề về chương trình học ở bậc THPT là vấn đề được khá nhiều học sinh đề cập tại buổi đối thoại. Lê Trần Thanh Trúc, trường THPT Trần Hưng Đạo nói thẳng: “Chương trình học đối với học sinh THPT hiện nay quá nặng về lý thuyết, quá ít thời gian thực hành. Thầy cô dạy và học sinh học giống như “nước đổ đầu vịt”. Chúng em học toàn lý thuyết, mà không có những kiến thức thực tế, học mà không áp dụng được vào thực tế thì học làm gì?”.
HS Trần Nguyễn Nguyên Thùy, trường THPT Củ Chi đưa ra dẫn chứng cụ thể hơn về chương trình học xa rời thực tiễn.
Em nói: “Môn Giáo dục công dân là môn học dạy chúng ta làm người, hiểu biết pháp luật nhưng những nội dung về vấn đề này rất ít, không liên quan cuộc sống hiện tại… Mặt khác, những vấn đề mà tuổi mới lớn của bọn em đang rất muốn được tìm hiểu như giới tính thì lại không dạy, thầy cô đôi khi lảng tránh những thắc mắc của chúng em về vấn đề tâm sinh lý”.
Nhưng không hiểu tại sao khi chúng em phạm một lỗi nhỏ như: không làm bài tập, quên vở ở nhà… thì một số giáo viên lại có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí là chửi bới chúng em.
Cũng liên quan đến chương trình học, HS Phan Hữu Trí, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng phản đối cách dạy và học môn Lịch sử hiện nay.
“Môn Lịch sử nhiều sự kiện chúng em đã được học từ cấp 1, 2 nhưng lên cấp 3 chúng em vẫn tiếp tục học lại.
Sao chúng ta không thử hỏi mỗi học sinh sau mỗi tiết học, mỗi năm học kiến thức lịch sử chúng ta đã học còn đọng lại trong ta bao nhiêu? Chúng em học theo lối đọc chép, học để thi học kỳ. Và nói thật là học như vậy chúng em không khác nào một cái máy photo lại những gì thầy cô đã đọc cho mình chép”.
Mối quan hệ giữa thầy, cô và trò cũng là một vấn đề nóng tại cuộc đối thoại. HS Phạm Hoàng Dung, trường THPT Lê Thị Hồng Gấm góp ý: Các giáo viên hiện nay cần cải tiến phương pháp giảng dạy.
Các giáo viên chủ nhiệm lớp nên biến các buổi sinh hoạt cuối tuần thành những buổi nói chuyện, trao đổi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của chúng em thay vì cứ la ó, phạt này phạt nọ chúng em như hiện nay.
Dung đưa ra dẫn chứng là: Hiện nhiều GV vì muốn hoàn thành bài giảng đúng giờ mà giảng quá nhanh, nhiều HS nghe không kịp đành hỏi bạn thì bị GV phát hiện và ghi vào sổ đầu bài. Và bạn đó, cuối tuần đều bị giáo viên chủ nhiệm phạt. Và nếu học sinh nào bị nhiều lần như thế thì bỗng nhiên biến thành học sinh quậy và bị các thầy cô nhắc nhở, trách phạt…, từ đó tạo nên tâm lý chán nản học tập trong học sinh.
Đưa kỹ năng sống thành môn học chính
Vấn đề kỹ năng sống cũng là một lĩnh vực được khá nhiều học sinh chú ý. HS Võ Thị Quỳnh Như, trường THPT Lê Quý Đôn phát biểu: Hiện nay sự thờ ơ của học sinh và của cả người lớn là vấn đề đáng nói.
HS chúng ta mỗi khi thấy bạn mình bị ức hiếp, gặp nạn chúng ta lạnh lùng mà không có phản ứng gì. Các thầy cần dạy học sinh chúng em làm sao để chúng em biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau hơn, biết quan tâm đến người khác hơn…
Tiếp ý kiến trên, HS Lê Hoàng Định đề nghị Sở GD&ĐT nên đưa môn Kỹ năng sống thành một môn học chính trong nhà trường.
Em nói: “Kỹ năng sống đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Sau này, chúng em có người sẽ trở thành những cử nhân, kỹ sư hay một nhà lãnh đạo… nhưng đều cần phải có những kỹ năng sống nhất định như: giao tiếp, ứng xử… Nhưng hiện nay, kỹ năng sống ở các trường THPT chỉ là một hoạt động ngoại khóa mà không biến nó thành một môn học chính trong nhà trường”.
Kỹ năng sống không chỉ dạy cho học sinh mà theo các em học sinh chính giáo viên cũng cần phải học kỹ năng sống. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa giáo viên và học sinh.
HS Đoàn Lê Quỳnh Giao, trường THPT Trần Quang Khải đưa ra ý kiến: Trường học là một môi trường giao tiếp tốt. Nhưng không hiểu tại sao khi chúng em phạm một lỗi nhỏ như: không làm bài tập, quên vở ở nhà… thì một số giáo viên lại có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí là chửi bới chúng em.
Nhiều bạn đã trở nên trầm cảm sau nhiều lần bị thầy cô đối xử như thế, thậm chí còn xảy ra bạo lực nữa. “Như vậy, theo em không chỉ học sinh chúng em cần học kỹ năng sống mà chính các thầy cô cũng cần học kỹ năng sống”, Giao nói.
Nhiều học sinh tham gia tại buổi toạ đàm đã đề xuất nhiều biện pháp để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh như tổ chức nhiều hoạt động mang tính tập thể như: dã ngoại, đi làm từ thiện, đẩy mạnh các phong trào của các tổ chức đoàn thể… để cuốn hút học sinh tham gia nhằm rèn luyện các kỹ năng cho mỗi học sinh…