Thiếu những vòng tay ôm ấp
Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve, vỗ về tuy giản đơn nhưng lại là dưỡng chất tinh thần quý giá giúp con trẻ lớn khôn. Hơn thế, nó còn mở ra cơ hội cho cha mẹ đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời...
Vậy mà không ít trẻ phải đi khám tâm thần vì thiếu những vòng tay ôm ấp.
Khoảng cách khó vượt
Chia sẻ trong một nhóm cha mẹ, chị M.H. (Q.10, TP.HCM) cho biết suốt mấy năm qua không một lần được ôm ấp con gái vào lòng dù rất muốn. Số là giữa hai mẹ con xảy ra nhiều bất đồng khó hàn gắn. Chị kể cô bé càng lớn càng cãi lời mẹ và làm nhiều chuyện chướng tai gai mắt. Chị nêu ví dụ: “Con bé mê chơi không thèm đi ăn cưới với mẹ, không chịu mặc bộ cánh đẹp mẹ ủi phẳng lì mà cứ khăng khăng chọn bộ đồ xấu hoắc theo ý nó”. La mắng riết nên giữa hai mẹ con không còn thân thiết như trước.
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy sự âu yếm, ôm ấp, vuốt ve, vỗ về giúp phát triển trí tuệ, tăng sự gắn kết mẹ – con…
Khác với chị M.H., chị T.N. (Q.2, TP.HCM) “chủ trương” hạn chế âu yếm, vuốt ve con vì lo ngại con ỷ lại vào tình thương cha mẹ sẽ chẳng chịu vươn lên, gặp chuyện gì cũng ơi ới gọi mẹ, thậm chí dễ dẫn đến lì lợm. Theo chị, cha mẹ cần giữ khoảng cách nhất định để có “uy” dạy con. Đồng tình với chị T.N., một bà mẹ khác ở Q.5, TP.HCM cho rằng cha mẹ nào thể hiện cử chỉ quá thân thiết sẽ khiến trẻ thấy mình “cao giá” trong nhà và “điều khiển” lại người lớn với những đòi hỏi quá quắt.
Còn chị B.T. (Q.3, TP.HCM) chia sẻ chồng chị trước đây sống rất mẫu mực, nhưng ba năm trước khi được lên chức thì thường xuyên say xỉn, đi sớm về muộn, bồ bịch lăng nhăng. Con trai chị lại giống cha như đúc nên nhìn con là chị lại “sôi máu”, nói chi âu yếm, vuốt ve. Cũng vậy, con chị T.L. (nhà trên đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng giống hệt người cha từng rũ áo ra đi khi con còn đỏ hỏn. “Nhìn con là hình bóng của con người bội bạc ấy lại hiện về”, chị nghẹn lòng.
Không có chồng tệ hại hay bội bạc, nhưng chị H.N. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng ít khi thể hiện tình thương với cậu con trai 3 tuổi, bởi theo chị, làm thế sẽ khiến con trai lớn lên nhu nhược, nữ tính. Ngược lại, chị N.H. (Q.2, TP.HCM) cho rằng thể hiện cử chỉ yêu thương là cần thiết nhưng lại không làm được. Số là từ nhỏ chị sống trong một gia đình rất nghiêm khắc, cha mẹ chỉ toàn răn dạy con cái, tuyệt nhiên không có chuyện ôm ấp con cái vào lòng như chị ao ước. “Quen như thế rồi, giờ làm khác thấy khó quá”, chị tâm sự.
Làm theo con tim mách bảo
Hơn 10 năm qua, bà Trish Summerfield, giám đốc chương trình Giá trị cuộc sống, có dịp tiếp xúc nhiều ông bố bà mẹ. Điều khiến bà ngạc nhiên là hầu hết quan niệm con cái là “báu vật” của cha mẹ. Nhưng khi xem con là cái gì đó của mình, cha mẹ rất dễ đi đến áp đặt con làm theo những gì họ mong muốn. Theo bà, cho dù cha mẹ sinh ra con, nuôi dưỡng con thì trên thực tế trẻ vẫn là chính nó. Bà Trish nói: “Mỗi người là một nhân cách độc đáo riêng, mọi sự áp đặt tất nhiên dẫn đến mâu thuẫn, xung đột”.
Chính vì vậy, chấp nhận và lắng nghe con là hai việc đầu tiên mà ThS Nguyễn Việt Nữ khuyên cha mẹ nên làm để có thể gần gũi con, từ đó có cơ hội thể hiện cử chỉ yêu thương và đồng hành với chúng. “Cần nhất là không áp đặt, sau đó mới là những cử chỉ yêu thương” – ThS Nữ nói. Theo bà Nữ, người Á Đông thường ngại thể hiện cử chỉ yêu thương, không chỉ với con trẻ mà còn giữa người lớn với nhau. Trong khi đó, một số kết quả nghiên cứu cho thấy sự âu yếm, ôm ấp, vuốt ve, vỗ về giúp phát triển trí tuệ, tăng sự gắn kết mẹ – con, giảm căng thẳng, tạo cảm giác sung sướng, tăng cường hệ miễn dịch, cảm xúc xã hội cho trẻ…
“Thiếu sự âu yếm, vuốt ve từ người lớn, tâm sinh lý trẻ sẽ phát triển không ổn” – BS Lâm Hiếu Minh (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) khẳng định. BS Minh cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trẻ được đưa đi khám tâm thần mà một trong các nguyên nhân là do ít được cha mẹ thể hiện cử chỉ yêu thương. BS Minh còn dẫn ra một kết quả nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy ngay cả những trẻ sinh non được chăm sóc trong lồng ấp nếu được matxa thì tăng cân nhanh hơn 45% so với những trẻ không được vuốt ve.
ThS Trần Thị Ái Liên, người từng có nhiều kinh nghiệm trực tiếp chăm sóc trẻ em, cho biết cha mẹ đừng vì bất cứ lý do gì để từ chối cung cấp “dưỡng chất” quý giá này cho con trẻ, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời. Hơn thế, trẻ được hưởng lợi từ cách làm hay của cha mẹ cũng sẽ hành xử như thế với thế hệ tiếp theo. “Hãy cứ làm theo sự mách bảo của con tim”, bà Liên nói.