Dù còn hơn 4 tháng nữa mới bước vào năm học mới, thế nhưng thời điểm này nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi chuẩn bị học mẫu giáo đã chạy đôn chạy đáo lo tìm chỗ học cho con.
Gần đây, thông tin về nhiều vụ tai nạn xảy ra trong trường mầm non khiến các bậc phụ huynh càng tỏ ra lo lắng, cẩn trọng hơn khi chọn trường cho bé.
Diện nào cũng… “chạy”!
Dù tiêu chuẩn vào các trường mầm non công lập đã mở rộng đối với trẻ thuộc diện KT3 và tiêu chuẩn tuyển sinh ưu tiên theo thứ tự gồm: có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn mà trường đóng, sau đó đến KT3. Tuy nhiên, theo nhiều bậc phụ huynh diện KT3, để có chỗ cho con học MN công lập thì phải… “chạy” ngay từ bây giờ.
Anh Quang Thắng, công nhân một xí nghiệp giày da ở khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình), cho biết: Mặc dù hai vợ chồng đều có giấy tạm trú KT3 nhưng khi cầm hồ sơ đến 8 trường mầm non trên địa bàn quận, nơi nào cũng từ chối vì… diện KT3 chỉ được xem xét khi còn trống chỗ. Chỉ có một trường đồng ý nhận hồ sơ nhưng bảo về nhà chờ đến khoảng giữa tháng 8 mới trả lời.
“Lúc đó con mình được nhận thì không nói làm gì, chẳng may bị từ chối thì lúc đó đến trường tư thục cũng hết chỗ, may ra chỉ còn mấy nhóm trẻ gia đình nhưng thời gian qua nghe báo chí phản ánh các cơ sở này mà sợ”, anh Thắng bộc bạch.
Cùng hoàn cảnh như anh Thắng nhưng vợ chồng chị Minh Thư thì lại chọn gửi con tại trường tư thục S gần nhà. Theo chị Thư thì: “Làm gì mà có cửa vào trường MN công lập theo diện KT3, năm trước đứa lớn của em cũng chờ đến lượt, song cuối cùng cũng phải gửi vào nhóm trẻ gia đình vì trường không nhận, các trường tư thục thì lại hết chỗ”.
“Tốt nhất bây giờ là tìm hiểu về các trường tư thục gần nhà, vừa tiện đón con vừa đỡ mất công chạy đôn chạy đáo tốn thời gian mà chẳng được gì”, chị Thư kết luận.
Trong khi đó với anh Minh Nhật, dù đã có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng nếu không đăng ký sớm trẻ sẽ bị đẩy qua phường khác.
“Năm trước nữa, cứ ỷ lại là con mình chắc chắn sẽ được học ở trường MN Sơn Ca 1 nhưng đến khi nộp hồ sơ vào đầu tháng 7 thì mới biết trường đã hết chỗ. Cuối cùng phải chạy qua phường khác xin, vừa xa nhà, vừa bị khó dễ”, anh Nhật cho biết.
“Bấm bụng” gửi con vào nhóm trẻ gia đình
Không chỉ căng thẳng ở các trường công lập, để vào được các trường mầm non tư thục cũng chưa hẳn là dễ.
Trong vai phụ huynh tìm chỗ học cho con theo diện KT3, chúng tôi đã tìm đến nhiều trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Mặc dù không đòi hộ khẩu TP như các trường công lập nhưng những nơi có học phí tương đối “mềm” như: mầm non Sơn Ca, mầm non Tuổi Thơ (Q.Bình Thạnh), mầm non Hoa Sen, mầm non Ngọc Lan (Q.Gò Vấp),… cơ sở vật chất đều khá khiêm tốn với kiến trúc nhà ở nhiều tầng, sân chơi, chỗ học, nơi ăn và ngủ cho trẻ đều khá chật hẹp.
Trái lại, những nơi có sân trường thoáng mát, rộng rãi, phòng học tách biệt với chỗ ăn, ngủ lại có mức học phí khá cao, từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể một số nơi còn thu thêm tiền học thêm một số môn năng khiếu như đàn, nhạc, họa… khiến tổng học phí trung bình của một trẻ lên tới trên 3 triệu đồng/tháng, khoản tiền không nhỏ so với đồng lương công chức.
Trường công hết chỗ, học phí trường tư không kham nổi, nhiều gia đình đành bấm bụng gởi con vào các nhóm trẻ gia đình, dù biết chất lượng chăm sóc không đảm bảo.
Anh Nguyễn Văn Bình, một phụ huynh có con đang độ tuổi đi nhà trẻ, cho biết: “Trường công thì không có cửa, trường tư thì học phí mắc quá nên đành phải gửi con vào nhóm trẻ gia đình M trên đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, đi làm mà tôi cứ lo ngay ngáy không biết con mình đi học có… an toàn không”.
“Có những quản lí trường, khi thấy tôi đề nghị được thăm quan trường vào giờ ăn, giờ học, đã tỏ ra không vui, thậm chí cáu gắt khi thấy nhân viên của mình cho tôi vào thăm quan trường…”, anh Bình cho biết.
Gửi con vào trường quốc tế: Đắt nhưng yên tâm
Trong khi đó, tại Hà Nội nhiều bậc phụ huynh lại hướng đến các trường MN quốc tế để gửi gắm “cục cưng” của mình trong năm học này.
Là giám đốc kinh doanh tại một công ty nước ngoài nên chị Phạm Liên (Mễ Trì, Hà Nội) thường xuyên vắng nhà. Vì thế, sau nhiều ngày nghiên cứu, cân nhắc, chị quyết định gửi con vào một trường quốc tế gần đó vì cơ sở vật chất tốt, giáo viên nhiệt tình, yêu thương học sinh.
“Cả hai vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày nên tôi rất quan tâm đến giờ đưa và đón cháu và trường cũng đã hiểu được điều này nên đã có một lịch giữ bé rất phù hợp và thuận tiện. Tôi không còn phải lo bỏ việc để về đón con mà vẫn yên tâm công tác”, chị Liên, cho biết.
Nếu như nhiều bậc phụ huynh chọn trường MN quốc tế bởi cơ sở vật chất tốt thì với nhiều ông bố bà mẹ, chọn trường quốc tế lại chỉ để… “né” cảnh trẻ bị “thiết quân luật” trong bữa ăn.
Chị Hà Hương (Đống Đa, Hà Nội), người từng chứng kiến cảnh các bé trong giờ ăn tại một trường MN dân lập, kể: “Các bé phải ăn theo ca, trẻ bé nhất ăn trước, hết giờ đến trẻ lớn hơn. Do thời gian hạn chế nên cô giáo buộc phải đút nhanh, bé phải ăn nhanh. Không nhanh là đói, không nuốt được là nôn”.
“Thấy các bé ăn vội vàng, ăn trong nước mắt, mình thấy xót ruột quá nên đành chọn gửi con vào trường quốc tế. Đắt nhưng yên tâm em ạ, quan trọng nhất là sự an toàn và sức khỏe của con thôi!”, chị Hà Hương cho biết.