Để có thể biết được sở thích khi ăn ngủ của bé, cách giúp bé không quấy khóc thì bản thân người làm mẹ như bạn cần phải có kiến thức, kinh nghiệm nhất định.
1. Để hiểu sở thích của bé
Nếu bé “om sòm” phản đối khi bị bế ngửa, bạn thử đổi sang kiểu bế “vác vai” xem sao, bởi vì từ tầm cao này, bé dễ dàng quan sát được cảnh vật xung quanh. Nếu bạn đặt con xuống và bé bắt đầu khóc, thử cho bé một món đồ chơi hoặc đu đưa bé trong nôi. Mỗi bé là khác nhau; vì thế, để hiểu con mình và tìm ra những điều hợp với sở thích của bé, bạn sẽ phải thử đi thử lại một cách chăm (dỗ) con cho đến khi tìm được biện pháp hợp lý nhất.
2. Để bé cho mẹ biết những gì bé cần
Thay vì áp đặt bé sơ sinh theo lịch trình của mẹ, có thể để bé cho mẹ biết những gì bé cần. Nên cho bé bú theo yêu cầu mà không cần áp dụng nguyên tắc “mỗi 2 tiếng một cữ bú”. Bé có thể cần bú thường xuyên, đặc biệt trong vài tuần đầu tiên.
3. Không cần kiêng quá mức
Khi đưa bé từ viện về nhà, bạn không cần phải cho bé kiêng tiếp xúc với người muốn tới thăm bé hoặc những em bé khác, tất nhiên là phải trừ những người đang bị bệnh.
4. Tin vào bản năng làm mẹ
Là một người mới làm mẹ, hẳn bạn nhận được không ít những lời khuyên nuôi dạy con sao cho tốt. Nên nhớ, mọi thông tin bạn nghe được chỉ là tham khảo. Cô bạn thân của bạn luôn pha mấy hạt muối vào nước tắm cho con cô ấy thì không có nghĩa bạn cũng phải làm thế. Mỗi người mẹ có một cách chăm con riêng mà họ tin là tốt nhất cho con mình. Hãy tin vào bản năng làm mẹ của bạn và bạn sẽ biết nên làm thế nào với con.
5. Ngủ
Thiếu ngủ có thể là một trong những khó khăn mà người mới làm mẹ phải đối mặt. Vì thế, nếu bé có một giấc ngủ ngắn vào ban sáng, bạn cũng nên tranh thủ chợp mắt cùng con. Thậm chí nếu bạn không thực sự buồn ngủ thì ngả lưng nghỉ ngơi đôi chút cũng có ích cho bạn.
6. Chuẩn bị nếu đưa bé ra ngoài
Khi bạn rời khỏi nhà cùng con, bạn nên chuẩn bị thêm quần áo cho bé, tã, khăn lau, bình sữa, sữa bột… phòng trường hợp cần dùng mà không có.
7. Có thời gian cho mình
Mỗi ngày, nên tranh thủ dành thời gian cho chính bản thân bạn. Đừng gồng mình lên khi chăm con hay ôm hết mọi việc, từ thay tã, vệ sinh cho con đến bế con vui chơi vì như thế, bạn sẽ sớm kiệt sức. Tranh thủ thời gian có chồng hay người thân chăm con, bạn nên đi tắm, đọc sách hoặc “tỉa tót” móng chân tay… của mình.
8. Giữ bình tĩnh
Nếu bạn cảm thấy thất vọng, nên nhanh chóng thư giãn đôi phút. Có thể đặt bé trong cũi và tạm nghỉ 10 phút (mở cửa sổ, hít thật sâu).
9. Đừng ngại nhờ vả
Nuôi con là vất vả nhưng bạn không chỉ có một mình. Nên nhờ sự giúp sức của chồng bạn, ông bà, người thân… thay vì bạn tự thân làm hết mọi việc.