Thấy các bà mẹ có con cùng tuổi kể chuyện bé đã biết đọc, viết, chị Trà (Từ Liêm, Hà Nội) rất sốt ruột về cậu con trai vốn nghịch ngợm nên ngay sau Tết, chị đăng ký cho cháu vào một trung tâm luyện chữ ở Mai Dịch, Hà Nội. Ban đầu, cu cậu cứ hai sáng cuối tuần là tới lớp, nhưng gần tháng nay, nghe cô nói con tiến bộ chậm, chị cho cháu học vào cả 3 buổi chiều trong tuần, từ 5h tới 6 rưỡi.
Tan lớp mẫu giáo, cu Tũn được mẹ dí hộp sữa vào tay, giục uống nhanh để kịp tới lớp luyện chữ. Tuần 3 buổi, Tũn phải đi tập viết để tháng 9 này vào lớp 1, nhưng nhiều hôm, vì muốn chơi cầu trượt thêm, cu cậu không chịu, khóc lu loa.
“Nhiều lúc thấy con thèm thuồng nhìn các bạn chơi sau giờ học, hay mặt buồn thiu từ lớp luyện chữ về, mình cũng thương, nhưng thôi, cố khổ một tí bây giờ còn hơn tới lúc đi học hai mẹ con lại đánh vật với nhau”, chị Trà thổ lộ.
Sau một thời gian đấu tranh với bố mẹ chồng để bé Nhím không phải đi tập viết, cuối cùng, tuần trước, chị Ngọc (Thành Công, Hà Nội) đành dẫn cháu đến luyện chữ tại một trung tâm ở gần nhà.
“Quả thật, mình cũng hoang mang vì thấy mấy chị đồng nghiệp có con học lớp 1 khóa trước kể, bé hay bị cô giáo chê, học đuối mãi… chỉ vì không luyện viết trước”, chị Ngọc nói khi đứng ngoài lớp luyện chữ chờ đón con.
Chị cho biết, trước khi vào lớp, bé chỉ kịp ăn mẩu bánh mì, lúc về nhà thì mặt con cứ nghệt ra, chẳng thiết ăn uống, nên chị rất sợ nếu cứ thế này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu.
Hiện nay, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng tìm được nơi luyện chữ cho con vì trên một số diễn đàn và cổng trường mầm non tràn ngập các quảng cáo về những cô giáo, trung tâm nhận dạy trẻ chuẩn bị vào lớp 1.
Cô Nguyễn Thị Trà Ly, Trung tâm luyện chữ ở Phạm Văn Đồng, Hà Nội, cho biết, từ sau Tết, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay đã gửi trẻ tới học chữ. Có bé trai sinh năm 2007, tháng 9 sang năm mới vào tiểu học nhưng cũng được mẹ đưa tới.
“Tôi cũng nói là không nên cho con học quá sớm như vậy nhưng mẹ cháu bởi sợ bài học thương đau từ cô con gái lớn – vì không cho học trước mà đuối dần, giờ lớp 3 vẫn kém hơn các bạn, nên khăng khăng đưa cậu em tới học sớm”, cô Ly kể.
Theo chị Liên Hương, chuyên luyện chữ tại nhà ở Chùa Bộc (Hà Nội) thì hiện tại số trẻ chuẩn bị vào lớp 1 theo học khá đông. Tại chỗ chị, cả tuần đều có ca học của các cháu, thứ bảy chủ nhật là ca ngày, ngày thường gồm hai ca chiều tối, từ 5h tới 6 rưỡi, và từ 7 rưỡi tới 9h, để tạo điều kiện cho trẻ tới sau giờ tan trường mầm non.
Cô Bích Trâm, giáo viên chuyên dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, các lớp cô phụ trách ngày càng có nhiều học sinh đã biết viết, biết đọc trước, con số này có khi chiếm nửa lớp.
Theo cô, đối với học sinh lớp 1, học viết là một công việc rất khó khăn, và giáo viên cần nhiều thời gian, công sức để giúp các em viết đúng độ rộng, độ cao, khoảng cách giữa các con chữ, thậm chí đơn giản là cầm bút thế nào, đặt bút ở đâu… Thời gian đầu, cô phải cầm tay trò để hướng dẫn.
“Lớp đông, việc này khó lắm, nên nếu trẻ đã được học rồi thì khi nghe cô dạy sẽ nhớ tốt hơn, cách đưa bút thuần thục hơn, giáo viên cũng đỡ vất vả và có thời gian cho các bạn chưa biết gì”, cô nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, luyện viết trước khi vào lớp 1 là vô tình thui chột hứng thú học của trẻ.
Nhà tâm lý giải thích, trẻ từ 0-6 tuổi phát triển thông qua tâm vận động là chính. Trẻ mầm non cần được rèn các khả năng như bắt chước, vận động thô (chạy, nhảy, ném bóng…) vận động tinh (phối hợp tay – mắt, tay – chân…), tư duy (so sánh dài ngắn, to nhỏ…) phát triển ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, chứ không phải là học chữ. Việc nhồi kiến thức cho trẻ giai đoạn này là sai.
“Ở tuổi này, khả năng tưởng tượng của trẻ phát triển, nên dạy con qua các câu chuyện kể, hỏi lại trẻ nội dung bằng các cụm từ tại sao, như thế nào…, giúp trẻ phát triển vốn từ. Bố mẹ cũng nên giúp con có kỹ năng sống tự lập, biết đi vệ sinh, tự lau sạch, khi có nhu cầu gì biết xin phép cô, dạy trẻ biết chào hỏi, giao lưu, biết sắp xếp đồ đạc, đồ dùng học tập, chuẩn bị sách vở, tự ăn, rửa bát, lau mặt… trước khi đến trường tiểu học”, bà Quý chia sẻ.
Theo bà, việc ngày càng nhiều người cho con đi luyện chữ trước là do bị áp lực sợ con không theo kịp bạn bè, cứ thế người trước nhìn người sau, tạo thành một phong trào. Vô tình, chính phụ huynh tự tạo sức ép cho nhau và cho cả giáo viên. Khi nghĩ trẻ đã biết hết, cô giáo sẽ dạy rất nhanh, sợ dạy theo bài bản trẻ sẽ nhanh chán. Và cuối cùng, chính các bé không được dạy trước lại trở thành nạn nhân vì không được quan tâm, phải chạy đua để theo kịp các bạn.
“Thực tế tư vấn cho thấy, rất nhiều trẻ lớp 1 gặp các vấn đề rối nhiễu tâm lý, chán học, lo hãi, ức chế… Khi bị nhồi nhét, đua thành tích, trẻ con dễ mất đi tính hồn nhiên, ngây thơ, trở thành ông cụ non, bà cụ non”, bà Quý nói.
Về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học, Bộ giáo dục khẳng định, theo quy định, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 mới bắt đầu học chữ, còn mầm non chỉ là nhận diện vui vui, làm quen với chữ, có thể tô chữ, chứ không học viết. Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều thực hiện theo điều này, thậm chí, tại một số nước, trẻ 7 tuổi mới tới trường.
Vì thế, về lý, nếu cho trẻ học chữ, viết chữ trước là sai, thế nhưng, hiện tượng này ngày càng phổ biến, nhất là ở các thành phố.
“Việc này thể hiện tính hai mặt. Mặt tốt là, nó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của bố mẹ với con cái nhiều hơn. Nhưng mặt xấu là, họ vô tình tạo sức ép cho mình và cho con. Mặt khác, giáo viên lương thấp nên nhiều người cũng chấp nhận dạy thêm, luyện trẻ học sớm. Vậy là, ở đây có một sự thỏa thuận, cung cầu gặp nhau, người chịu thiệt là trẻ. Việc học lúc này không vì trẻ mà vì người lớn. Trẻ bị học chứ không phải là được học”, ông Thành bày tỏ.
Dù vậy, ông thừa nhận, Bộ giáo dục không thể kiểm tra hết các giáo viên tiểu học, và kỷ luật nếu phát hiện họ có luyện chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, bởi trách nhiệm này đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện các địa phương.
Thực tế chứng minh, trẻ 6 tuổi, không cần được học trước, thì hết lớp 1 đều đạt yêu cầu. Một chương trình dạy cho trẻ ở vùng miền núi Simacai (Bắc Hà, Lào Cai) mới đây của Bộ giáo dục cho thấy, sau một kỳ là tất cả trẻ (chưa từng được biết mặt chữ trước đó) đều đọc thông viết thạo.
“Ở thành phố, trẻ tinh khôn hơn, bố mẹ có điều kiện hơn, nên chẳng có lý do gì khiến các em không đạt được như vậy. 5-7 năm lại đây, thủ khoa các trường đại học cũng đâu phải là con em thành phố”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, việc các lớp học quá đông cũng là một phần nguyên nhân khiến việc dạy của giáo viên kém hiệu quả, gây nên tình trạng trẻ phải học thêm, học trước.
“Nhiều lớp, một cô phải quản 60 em, trong khi quy định là 30 học sinh. Mỗi tiết học có 35 phút, cô không đủ dành cho mỗi trò một phút. Vì thế, chuyện trong lớp có một số trẻ chậm hơn, lại không được cô quan tâm, khiến các em nản đuối dần là có”, vị vụ trưởng bộc bạch.
Vì vậy, ông cho rằng, việc giải bài toàn nhồi chữ không chỉ của ngành giáo dục mà cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban ngành, cộng đồng, làm sao để có đủ trường lớp, nâng cao đời sống giáo viên, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ việc không nên cho con học trước…