Các trường hợp có thai kèm theo những yếu tố không bình thường về phía mẹ hoặc thai nhi có thể gây ra khó khăn hoặc tai biến trong lúc có thai hoặc sinh đẻ sau này, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng của cả hai mẹ con thì đây chính là thai nghén có nguy cơ. Các yếu tố không bình thường đó gọi là yếu tố nguy cơ.
Có nhiều các yếu tố nguy cơ trong thai nghén, có thể chia thành các nhóm sau:
Các yếu tố nguy cơ có sẵn từ trước khi có thai:
Đó thường là các bệnh tật hoặc di chứng bệnh tật từ bé để lại trên cơ thể người phụ nữ. Ví dụ như các bà mẹ bị bệnh tim, phổi, gan, thận; những người có dị tật bẩm sinh ở đường sinh dục (tử cung đôi, tử cung hoặc âm đạo có vách ngăn…); những người bị di chứng còi xương, bại liệt hoặc các bệnh khác như lao cột sống, lao khớp háng, gãy xương chậu… làm cho khung xương chậu bị hẹp, bị méo.
Các yếu tố nguy cơ xảy ra trong lúc có thai:
Gồm các bệnh mắc phải khi thai nghén: cảm cúm, sốt xuất huyết, viêm gan, đái tháo đường… hoặc những bệnh do thai nghén mà có như: nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, chửa ngoài tử cung, chửa trứng, thai suy dinh dưỡng, ngôi thai không thuận…
Các yếu tố nguy cơ đã có trong tiểu sử chửa đẻ:
Lần đẻ trước đã phải mổ lấy thai hoặc phải làm các thủ thuật như cặp thai (foocxep)…; những trường hợp đã bị sảy thai liên tiếp, vô sinh nhiều năm…
– Các yếu tố nguy cơ khác như khi có thai còn quá ít tuổi (dưới 18 tuổi) hoặc đã lớn tuổi, đã đẻ nhiều lần (4 lần trở lên). Có khi các điều kiện về kinh tế, văn hóa… cũng trở thành yếu tố nguy cơ như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở nơi xa xôi xa với cơ sở y tế, người mẹ thiếu hiểu biết hay thiếu nước sạch trong sinh hoạt…
Đối với những trường hợp thai nghén có nguy cơ này phải được theo dõi và hướng dẫn dặn dò cẩn thận để bà mẹ được chăm sóc chu đáo ở cơ sở y tế, đồng thời phải được đến đẻ ở nơi có đủ trình độ chuyên môn để đảm bảo cho thai nghén và cuộc đẻ được an toàn. Có những trường hợp cần vào bệnh viện chờ đẻ trước hàng tuần, hàng tháng như đối với các bà mẹ có bệnh tim, tiểu đường, các trường hợp bị nhiễm độc thai nghén nặng, các trường hợp có sẹo mổ ở tử cung, rau tiền đạo…
Khi bà mẹ biết thai nghén của mình có nguy cơ cũng không nên quá lo lắng, ngược lại cũng không được buông trôi, chán nản mà hơn ai hết họ cần tỉnh táo, an tâm tuyệt đối nghe theo lời căn dặn, hướng dẫn của cán bộ y tế trong mọi trường hợp.