9 giờ sáng nay, lối vào Bệnh viện Nhi trung ương chật cứng xe máy, taxi. Nhiều người phải đứng trước cổng tới 10 phút, đợi gửi xe gần nửa tiếng mới đưa được con vào khu khám bệnh vì cảnh đông đúc.
Con sốt, lại mọc vài nốt đỏ ở tay và chân, từ sáng sớm, chị Hòa đã thuê ô tô tới thẳng Viện nhi trung ương (Hà Nội), mong sẽ khám nhanh, thế nhưng tới nơi, dù đăng ký khám tự nguyện, chị vẫn phải xếp tới số 44 vì có quá đông người đưa con đi khám.
“Mình nghe nhiều người nói tới tay chân miệng nguy hiểm, sợ con mắc bệnh này nên phải đi khám ngay. Cố đi sớm để về sớm, nhưng đông đúc thế này, đợi tới lượt khám, rồi có khi phải làm xét nghiệm thì phải hết ngày”, bà mẹ trẻ ở Lương Tài, Bắc Ninh cho biết.
9 giờ sáng nay, lối vào Bệnh viện Nhi trung ương chật cứng xe máy, taxi. Nhiều người phải đứng trước cổng tới 10 phút, đợi gửi xe gần nửa tiếng mới đưa được con vào khu khám bệnh vì cảnh đông đúc.
12 giờ trưa, khám tới bệnh nhân thứ 50, bác sĩ Cấn Phú Nhuận, trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, mấy ngày nay, ông cũng như các đồng nghiệp trong khoa hầu như không có phút nghỉ ngơi vì quá đông bệnh nhân.
Ông Nhuận cho biết, từ tuần trước tới nay, khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang ấm, nóng, số bệnh nhi cũng tăng đột biến. Nếu trước đây, thường là 1.800- 2.000 cháu thì gần đây, con số này đã là 3.000 trẻ đến khám mỗi ngày. Hôm qua, dù chủ nhật là ngày nghỉ, bệnh viện chỉ nhận các ca cấp cứu và khám dịch vụ, thì cũng có tới 1.000 lượt trẻ tới. Các bệnh trẻ hay mắc vẫn là viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa, với những biểu hiện hay gặp như sốt, ho nhiều, tiêu chảy…
Đặc biệt, theo bác sĩ Nhuận, thời gian gần đây, số trẻ đến khám vì nghi tay chân miệng tăng cao. Trong đó, trẻ mắc bệnh thực sự thì rất ít, nhưng vì trời bắt đầu oi nóng, nhiều cháu bị muỗi, côn trùng đốt hay viêm da mẩn ngứa lại khiến phụ huynh nhầm tưởng, hoang mang.
“Các bậc cha mẹ chăm lo cho con và đưa trẻ đi khám khi thấy có biểu hiện bệnh là điều đáng quý, nhưng cũng cần quan sát, theo dõi trẻ và cập nhật kiến thức về bệnh để tránh gây quá tải bệnh viện vốn đã rất đông”, bác sĩ lưu ý.
Tình trạng bệnh nhi tăng cao cũng xảy ra tại một số bệnh viện khác tại Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Lan, Trưởng khoa hô hấp Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết, gần đây, mỗi ngày có khoảng 100 trẻ phải nhập viện vì các bệnh do thời tiết thay đổi như hen suyễn, sốt siêu vi, viêm phổi… trong khi khoa chỉ có 45 giường điều trị. Thông thường, con số này vào những dịp khác chỉ có khoảng 60-70 trẻ.
Theo bác sĩ, trong số bệnh nhi nhập viện, số trẻ nhỏ, dưới 1 tuổi chiếm khá nhiều, và phần lớn các em bị lây bệnh từ người lớn. Bà cho biết, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng khiến cơ thể trẻ nhỏ chưa kịp thích nghi, trong khi bố mẹ đôi khi vẫn sợ con bị lạnh, không để ý tới việc mặc đồ cho trẻ phù hợp khiến trẻ dễ bị bệnh. Ngoài ra, giai đoạn đầu hè cũng là môi trường thuận lợi cho các loại virus phát triển. Nhiều người lớn cũng dễ nhiễm bệnh và không chú ý phòng bệnh cho con, trong khi các cháu nhỏ sức đề kháng kém, rất dễ lây bệnh.
Bà Lan cho biết, cách phòng ngừa tốt nhất là nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Những giai đoạn chuyển mùa, bố mẹ cần theo dõi thời tiết để chọn quần áo phù hợp cho bé, tránh mặc cho con quá ấm vì khi trẻ hoạt động, mồ hôi ra nhiều ngấm ngược vào cơ thể cũng sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh. Khi bị ốm, người lớn cần vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc lây bệnh cho con. Bố mẹ cũng cần vệ sinh nơi ở, tạo môi trường sạch, thoáng, tránh các loại muỗi sinh sôi truyền bệnh…