Việc bé quên mất bố khi bố đi xa lâu ngày là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều trường hợp, kể cả khi bố ở nhà thường xuyên nhưng nhiều bé cũng có hiện tượng “lẩn tránh” bố. Nếu có nhiều thời gian chơi với bố, các bé cũng sẽ dành tình cảm cho bố.
Trở về sau 3 năm đi xuất khẩu lao động, anh Chính không làm cách nào để bé Bin (cậu con trai hơn 3 tuổi) chịu gọi bố. “Hồi mình đi, con còn đang bế ngửa. Giờ về nhà nhưng thấy bố là cu cậu… chạy mất” – anh Chính (Hoàng Mai, Hà Nội) kể. Thấy vậy, cả nhà xúm vào động viên bé Bin nhận bố. Bà nội hứa mua đồ chơi mới nếu bé gọi bố; thậm chí, chị nhà anh Chính còn mang roi đến buộc con phải gần gũi bố. Thế nhưng, bé Bin lại lẳng lặng chạy mất. “Có lúc cho con kẹo, con quên mất, lại nói ‘con xin bác’ làm mình không khỏi băn khoăn” – anh Chính chia sẻ.
Nhắc bé nhớ tới bố
Không có chồng đi xuất khẩu lao động, anh xã nhà Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) bận công tác liên miên. Ngân cho biết thêm, nếu hôm nào không phải đi công tác thì Hùng – chồng Ngân cũng bận khách khứa đến khuya. “Cả tuần, con gái mình mới thấy mặt bố khoảng 1-2 giờ đồng hồ” – Ngân chia sẻ.
Thậm chí, hồi Ngân có bầu bé Bống thì anh chồng phải đi công tác nước ngoài. Khi bé được 6 tháng tuổi, Hùng về thăm vợ con một lần rồi lại tiếp tục đi. Vợ chồng chịu cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ, sợ bé Bống quên mất bố, Ngân liền dán ảnh chồng lên tường và dạy con gọi bố. “Mỗi lần như thế, bé lại chạy đến hôn ảnh bố khiến mình không cầm được nước mắt” – Ngân kể tiếp.
Tương tự Ngân, Quyên (Thái Bình) ngày nào cũng chơi trò “hỏi thăm bố với con”. Hàng ngày, Ngân dành thời gian để dạy bé Su (cô con gái 3 tuổi) những “kiến thức” liên quan tới bố; chẳng hạn, nếu Ngân hỏi: “Bố đi đâu rồi?”, bé Su lại nhanh nhẹn trả lời: “Bố đi công tác, kiếm tiền mua bánh cho con”.
Những lần hai mẹ con dạo chơi trên phố, Bé Su chạy với theo một người đàn ông lạ, miệng kêu: “bố, bố” hoặc những lúc cả nhà đang ăn cơm, nghe tiếng xe máy ngoài ngõ, bé Su bỏ bát chạy ra cửa mừng rỡ “bố về” (thực ra chỉ là tiếng xe máy nhà hàng xóm), Ngân lại chạnh lòng.
Tạo cơ hội để chồng gần gũi với con
Xa bố lâu ngày, nhiều bé xuất hiện tâm lý thờ ơ với bố. Nếu chồng thường xuyên công tác, người vợ nên tìm cách nhắc con nhớ đến bố như duy trì việc gọi điện thoại cho bố hàng ngày. Những dịp chồng ở nhà, người vợ càng nên tranh thủ cơ hội để gắn kết tình cảm bố con.
– Tạo điều kiện để chồng vui chơi cùng con: Nếu bé cứ khóc lóc đòi mẹ, bạn nên phớt lờ bé. Bạn có thể đợi cho đến khi bé bớt quấy khóc hơn và chấp nhận vui chơi cùng bố. Bạn cũng không nên ép buộc nhưng cũng không nên ở bên cạnh bé quá thường xuyên. Điều này sẽ khiến bé càng “sợ” bố hơn.
– Nhờ chồng thay quần áo hoặc tắm rửa cho con: Những hoạt động nhỏ này sẽ khiến bé an tâm hơn khi có bố bên cạnh. Hơn nữa, việc làm như thế này cũng giúp các anh chồng nâng cao trách nhiệm chăm con. Lúc đầu có thể anh nhà sẽ bỡ ngỡ, khó khăn, bạn nên giúp đỡ chồng để anh ấy có thêm kinh nghiệm chăm con.
– Bạn có thể tạo không khí ấm cúng trong bữa cơm gia đình, gợi chuyện để hai bố con trao đổi với nhau. Những lúc hai bố con chơi đùa, tốt nhất, bạn thử “trốn” đi một lát. Khi bé không khóc gọi mẹ nữa cũng là lúc bé đã quen với bố.
Việc bé quên mất bố khi bố đi xa lâu ngày là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều trường hợp, kể cả khi bố ở nhà thường xuyên nhưng nhiều bé cũng có hiện tượng “lẩn tránh” bố. Nếu có nhiều thời gian chơi với bố, các bé cũng sẽ dành tình cảm cho bố. Đặc biệt lưu ý rằng, các bé thường xuyên xa cách bố càng cần sự chăm sóc, yêu thương nhiều hơn từ người mẹ. Sẽ rất nguy hiểm nếu người chồng liên tục vắng nhà, còn người vợ cũng bận bịu công việc nên giao toàn quyền chăm con cho osin. Khi ấy, các bé sẽ bị khủng hoảng tâm lý vì thiếu vắng cả tình yêu, sự quan tâm của bố lẫn mẹ.