Khi trời còn tờ mờ sáng, nếu như trẻ em nhiều nơi khác đang ê a học bài chuẩn bị cho ngày học mới, thì gần 100 em nhỏ của xã Quảng Thọ, Quảng Trạch, Quảng Bình lại í ới gọi nhau ra bắt xe đò vào TP Đồng Hới để đánh giày.
Điều đáng nói, Quảng Thọ là một trong những xã có đời sống kinh tế khá của địa phương, song không hiểu sao trẻ em lại phải mưu sinh từ nhỏ. Nhiều em đã bị bóc lột, đánh đập, lợi dụng khi mưu sinh xa nhà.
Xi giày xoá hết chữ thầy
Mới 13 tuổi đầu, nhưng em Nguyễn Văn T. ở Quảng Thọ đã có 4 năm hành nghề đánh giày ở thành phố Đồng Hới. Vào đời sớm, nên T cũng tập tọng làm người lớn trong thân xác của trẻ em, em hút thuốc, uống rượu và sẵn sàng nhảy vào đánh nhau với đám bạn cùng lứa để tranh được đánh giày.
Sáng sớm, vây quanh các quán ăn, cà phê của thành phố Đồng Hới là hàng trăm em nhỏ đánh giày. Đánh giày là một nhu cầu trong thực tế của nhiều người, vì vậy rất cần có người làm nghề đánh giày, song hàng trăm em đánh giày xuất hiện cùng lúc ở một địa phương thì buộc chúng ta phải suy nghĩ. Quảng Thọ có 5 thôn, nhưng ở đây có tới 89 em tuổi từ 10 đến 16 hành nghề đánh giày.
Lúc đầu các em đánh giày ở thị trấn Ba Đồn gần quê, sau đó nhiều em nhảy xe đò vào thành phố Đồng Hới và toả ra các địa phương khác để đánh giày. Công việc của các em bắt đầu từ sáng tinh mơ đến khi bóng tối bao phủ màn đêm lại bắt xe về nhà. Nhìn nhiều em mới khoảng lên 10 đã thường trực bên quán ăn để xin được đánh giày thật động lòng. Bộ đồ nghề của các em gồm một hộp gỗ nhỏ, mấy hộp xi, mấy miếng lót giày và đôi dép để khách đi tạm.
Cứ thế, các em hì hục làm việc, càng nhiều khách thì số tiền các em kiếm được càng nhiều, và đồng nghĩa các em cũng quên luôn tuổi thơ của mình. Trung bình mỗi đôi giày đánh xong các em được 4 ngàn đồng, em nào siêng năng, may mắn mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50 ngàn đồng… Làng Thọ Đơn, xã Quảng Thọ là làng có nhiều em nhỏ theo nghề đánh giày nhất xã. Nhiều em mới chỉ vừa biết đọc biết viết đã vội bỏ học theo bạn đi đánh giày.
Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh ở Quảng Thọ không những không ngăn con bỏ học mà còn động viên khuyến khích con đi đánh giày để kiếm thêm tiền cho gia đình. Cứ như thế miền quê này không ai bảo ai, các em nhỏ cứ nối tiếp nhau và truyền nghề cho nhau để hành nghề.
Ông Lê Đình Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết: “Trong xã nhiều cháu không chịu đi học lại thích đi đánh giày. Một khi các cháu đã bỏ học để đi đánh giày thì khi lớn lên các cháu cũng chỉ đi làm ăn xa hay là đi biển”.
Hiểm nguy rình rập
Nhiều bậc phụ huynh có con em đi đánh giày đã phó thác các em cho xã hội. Họ chỉ suy nghĩ giản đơn: sáng con đi đánh giày tối cầm tiền về nhà. Song họ không hề biết nhiều mối hiểm nguy luôn rình rập các cháu. Sáng sớm từ ngã tư thị trấn Ba Đồn, Quảng Thọ, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục em nhỏ bu lấy cửa xe khách để vào thành phố đánh giày. Xe đông khách, nên không ít em đứng vắt vẻo nơi cửa xe.
Vào thành phố, các em lại bắt đầu đối mặt với những cuộc đánh nhau chí tử để tranh giành địa bàn đánh giày. Nhiều em bị đánh chảy máu mồm, máu mũi nhưng đến tối về nhà các em lại nói dối là vấp ngã để ngày mai lại đi đánh giày. Không ít em đánh giày cả ngày, nhưng đến chiều lại bị các đối tượng nghiện ma tuý trấn lột hết tiền để hút chích. Và điều nguy hiểm hơn là do không có sự quản lý của gia đình, lại sớm làm ra tiền nên nhiều em ăn chơi, đua đòi và sa ngã.
Làm việc với Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an Quảng Bình, chúng tôi được biết, có trẻ em đánh giày ở Quảng Thọ hiện là đối tượng liên quan đến ma tuý. Buổi trưa, không có chỗ nghỉ cố định, nên nhiều em đốt mình trong các quán game. Một số em lại cùng nhau tập uống rượu, hút thuốc lá, rồi đánh bài ăn tiền.
Thậm chí có em bị bóc lột, lạm dụng về tình dục. Song trong thế giới riêng của em, nhiều người nghĩ các em chỉ đánh giày và đánh giày. Do bỏ học quá sớm, lại không được giáo dục, định hướng nên các em dễ dàng đánh mất tuổi thơ của mình. Và từ đó, không ít em sớm bị cuộc sống xô bồ ngoài xã hội dẫn dắt trở thành các đối tượng phạm pháp.
Quảng Thọ không hề nghèo, người dân nơi đây vốn dĩ chăm chỉ làm ăn, con cái học hành đàng hoàng. Song mấy năm trở lại đây, trẻ em ở vùng cát này lại đua nhau bỏ học để đánh giày. Thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây cần có cách nhìn thay đổi để đảm bảo lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho trẻ em.
Theo Báo Công An Nhân Dân