Khi mẹ mang bầu, sức khỏe của con hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ. Mẹ bị mắc bệnh gì, rất dễ nguy hiểm cho con.
1. Mẹ bị cảm cúm, viêm gan B…
Hầu hết các mẹ bị mắc các bệnh do virus như viêm gan B, cúm, sởi, thủy đậu, HIV… đều có nguy cơ truyền bệnh cho con, làm thai lưu hoặc có thể gây dị tật cho thai khi mẹ nhiễm các bệnh này trong những tuần đầu thai kỳ.
Khi chuẩn bị mang bầu, mẹ nên đi khám tổng thể xem sức khỏe mình thế nào rồi hãy quyết định thời điểm có con nhé. Trong những tháng đầu của thai kỳ, mẹ cũng nên giữ gìn sức khỏe, tinh thần thoải mái để con trong bụng phát triển mạnh khỏe và không mắc các dị tật mẹ nhé!
2. Mẹ cũng “suy dinh dưỡng”
Nếu mẹ có bầu nhưng cũng suy dinh dưỡng, ăn không đủ chất, không tăng cân… thì điều đó cũng ảnh hưởng sự phát triển của con đấy.
Thông thường, mẹ suy dinh dưỡng, thai nhi cũng bị suy dinh dưỡng, phát triển không đủ cân nặng và dễ bị đẻ non. Khi bé ra đời, nguy cơ đe dọa sự sống và sức khỏe phát triển của bé rất cao. Nếu tránh được khỏi nguy cơ đó, bé sẽ phát triển chậm hơn các bạn bằng tuổi về thể chất và trí tuệ.
Hiện nay rất nhiều mẹ lo lắng ăn nhiều trong thời gian mang bầu sẽ béo phì, sau khi sinh không lấy lại được phom người hoặc ăn nhiều sẽ khiến thai nhi phát triển quá to, không đẻ thường được, phải mổ đẻ.
Thực tế, số các bà mẹ mổ đẻ đa phần vì các lý do bệnh lý chứ nhiều hơn số bà mẹ mổ đẻ vì thai nhi quá to. Rất nhiều mẹ phải mổ đẻ vì thai yếu, thai suy trong chuyển dạ do suy dinh dưỡng trong tử cung.
3. Mẹ bị sốt rét
Khi mang bầu, nếu mẹ bị sốt rét, điều đó sẽ nguy hiểm đến con. Ký sinh trùng sốt rét trong máu của người mẹ hoàn toàn có nguy cơ chuyển sang con qua hệ thống tuần hoàn rau thai, gây nên bệnh sốt rét bẩm sinh ngay từ khi mới ra đời.
4. Mẹ bị mắc bệnh giang mai
Nếu mẹ mắc bệnh giang mai, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào bào thai thông qua hệ thống tuần hoàn rau, gây bệnh giang mai bẩm sinh cho con. Tuy nhiên, vi khuẩn giang mai thường không xâm nhập được vào bào thai trong những tháng đầu của thai kỳ vì bị “hàng rào” rau thai dầy đặc ngăn cản.
5. Tỉ lệ mắc bệnh Down
- Theo nghiên cứu khoa học, tỉ lệ mắc bệnh Down (gây nên do trong mỗi tế bào có 3 nhiễm sắc thể số 21) ở con tăng lên rõ rệt theo tuổi của mẹ.
- Nếu mẹ dưới 30 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở con là 1/1000.
- Nếu mẹ trên 40 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở con là 1/100.
- Nếu mẹ trên 45 tuổi, tỉ lệ mắc bệnh ở con là 1/50.
Vì vậy, nhiều lời khuyên được đưa ra là các mẹ từ 45 tuổi trở lên không nên có con và sinh đẻ nữa.
Lời khuyên cho những ai chuẩn bị làm mẹ
- Tốt nhất, trước khi mang bầu, mẹ hãy kiểm tra sức khỏe của mình xem có mắc bệnh gì không và điều trị bệnh đó dứt điểm trước khi có con.
- Không nên có con khi tuổi đã quá cao.
- Có thể tiêm phòng một số bệnh cảm cúm, thủy đậu,… trước khi có con theo tư vấn của bác sỹ để đảm bảo sức khỏe trong suốt thời kỳ mang thai.
- Khi đã có bầu, mẹ cực kỳ cẩn thận giữ gìn sức khỏe, một tinh thần thoải mái, ăn uống tẩm bổ đầy đủ dưỡng chất để cả hai mẹ con cùng khỏe nhé!
- Khi có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường đến sức khỏe trong suốt thời kỳ mang bầu, mẹ cần đến gặp bác sỹ khám và tư vấn ngay.
loiquynh đã bình luận
thưa bác sĩ
Tôi năm nay 28 tuổi hiện nay tôi đang có bầu 6 tháng nhưng tôi bị viêm họng do nấm(Trước khi có thai tôi đã bị Viêm CTC và áp lạnh đã khỏi) bị ho nhiều và cả cảm cúm nữa. Tôi không biết tôi bị như vậy có ảnh hưởng gì tới em be không, tôi đã ho cả tháng nay rồi. Tôi đi Khám TMH thì BS kê cho thuốc siro Autusin và kháng sinh
Phùng Thị Thu Thủy đã bình luận
Gởi MYC!
Tôi sinh năm 1978. Tôi cao 1.625m nặng 78kg. Tôi có bị viêm gan B. Tôi có đi khám ở Bệnh viện nhiệt đới cách đây 3 tháng thì họ nói có thai bình thường không cần dùng thuốc để chữa viêm gan. Bây giờ tôi có thai được 4 tuần. Tôi rấy băn khoăn không biết theo tình hình sức khỏe của tôi như vậy thì có ảnh hưởng gì đến con tôi sau này không? Và tôi phải làm sao và chế độ ăn uống như thế nào để cháu khi sinh ra khỏe mạnh.
Axit Polic thì có trong thực phẩm nào. Xin vui lòng cụ thể giúp. Cám ơn MYC rất nhiều.
Thu Thủy
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn ăn uống tốt nhiều sữa, đạm thịt, cá…, rau củ, trái cây, ít mỡ và đường, không nên kiêng khem gì quá mức là được. Hiện tại không nên uống thuốc gì, khi 8 tuần đi SÂ có tim thai thì nên uống Obimin để bổ sung thêm vi chất. Chú ý VS cá nhân, có biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp trong quá trình mang thai. Sau này vào tháng thứ 8 bạn nên thảo luận với BS nơi bạn đăng ký đến sinh con về chuẩn bị thuốc HBIG và vaccin phòng viêm gan B để tiêm cho bé ngay trong 12 giờ đầu sau sinh để phòng bị lây từ mẹ.