Khảo sát của tạp chí Mes Parents (Pháp) cho thấy: 50% trẻ chỉ nghe theo lời mẹ, 30% trẻ chỉ làm theo bố và 20% còn lại chỉ hành động khi có sự đồng ý của cả bố và mẹ.
Ý tưởng thực hiện cuộc khảo sát này của tạph chí Mes Parents được bắt nguồn từ những email gửi Ban biên tập phàn nàn rằng, những quyết định của họ gần như không ý nghĩa đối với các con.
Mặc dù chúng yêu quý bố mẹ như nhau nhưng mỗi khi muốn làm một việc gì đó cần xin phép người lớn thì, hoặc là chúng chỉ nghe theo sự quyết định của bố hoặc là chỉ làm khi được sự cho phép của mẹ. Bị mất quyền lực đối với con và cảm thấy như người “thừa” trong gia đình, nhiều phụ huynh đã thật lòng tâm sự và xin được tư vấn.
Chuyện không chỉ ở Pháp
“Mới ngày hôm qua thôi, cô con gái Minh Nga 5 tuổi của tôi muốn ăn kẹo khi vừa đi học về. Tôi đã đồng ý cùng với lời đề nghị phải xúc miệng sau khi ăn xong. Chạy vào tủ lạnh định lấy kẹo, nhưng rồi Minh Nga vẫn nhấc điện thoại hỏi ý kiến của mẹ. Tự nhiên tôi cảm thấy ngại đến đỏ mặt vì có thể quyết định được một việc cỏn con như vậy hay sao!”, anh Thành Nam (37 tuổi, Thành Công, Hà Nội) kể.
Theo các chuyên gia, đây là vấn đề thường gặp ở trẻ 3 – 13 tuổi, không chỉ ở riêng quốc gia nào mà trên toàn thế giới. Việc con trẻ chỉ nghe theo lời bố hoặc mẹ không chỉ ảnh hưởng đến công việc riêng của mỗi người và công việc chung của cả nhà mà đôi khi còn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ có sự thiên lệch về sự tuân thủ theo quyết định của bố hoặc mẹ. Có thể do trẻ quan sát thấy, bố (hoặc mẹ) là người quyết định mọi việc trong cuộc sống hàng ngày, từ việc nhỏ đến việc lớn (mẹ luôn làm theo ý muốn của bố hoặc ngược lại).
Mặt khác, cũng có thể là do trẻ dựa vào tình cảm riêng của mình đối với bố mẹ (trẻ yêu nhiều hơn bố hoặc ngược lại). Có thể trẻ cảm nhận được bố là người hiểu ý muốn của mình hơn mẹ hoặc ngược lại.
Có thể trẻ thấy được mẹ là người luôn sẵn sàng chiều theo mọi sở thích của mình hơn bố. Hay đơn giản là hàng ngày trẻ thường xuyên được gần gũi với mẹ nhiều hơn bố hoặc ngược lại…
Bố mẹ nên thống nhất ý kiến với nhau để trẻ tôn trọng cả bố và mẹ |
Bố một bên và mẹ một bên
Một lần, hai lần, ba lần… rồi đến lần thứ 6, chị Thanh Hương (Mỹ Đình II, Hà Nội) mới giật mình nhận ra cô con gái lớn 10 tuổi của vợ chồng chị chỉ vâng theo lời bố. Bất kể từ những việc lớn như mua xe đạp, chọn trung tâm ngoại ngữ học tiếng Anh… đến những việc nhỏ như chọn quần áo nào đi học hay đi đôi giày màu gì để đi ăn tối ở nhà hàng cùng với bố mẹ…
Mỗi khi muốn làm việc gì cần xin phép người lớn cháu chỉ hỏi ý kiến và nghe theo sự chỉ đạo của bố. “Nếu chồng tôi không có ở nhà, bé sẽ gọi điện để hỏi ý kiến bố”, chị Hương nói. “Còn nếu là đồ vật vợ chồng tôi mua về cho bé, cái gì do bố mua thì được bé coi là đồ… xịn, còn cái gì do mẹ mua bé chẳng mấy mặn mà…”
Nhiều lần, chồng chị Hương cảm thấy không hài lòng với hai mẹ con khi đang trong cuộc họp hay đang bận đàm phán với đối tác cũng nhận được điện thoại của con gái chỉ vì một việc rất “vớ vẩn”.
Trong khi đó, anh Phạm Kỳ (Trung Kính, Hà Nội) tâm sự: “Lúc nào hai con gái cũng cảm thấy “không yên tâm” với sự cho phép của bố. Cháu như sợ bị mắng nếu như chưa được tận tai nghe thấy lời đồng ý của mẹ. Nhiều lần kiểm tra bài tập về nhà của cô con gái lớn, nếu cháu làm đúng hết thì không sao chứ nếu có một lỗi sai nào đó mà tôi nhắc nhở và yêu cầu sửa lại thì cháu vẫn không nghe: Con không tin bố, con sẽ hỏi lại mẹ. Hoặc ví dụ bé muốn xem tivi khi học bài xong, mặc dù tôi nói đồng ý nhưng chúng vẫn nhất quyết: con phải chờ mẹ tắm xong để hỏi mẹ cơ! Nhiều lúc tôi thấy chán vì mình cứ như thể… người hàng xóm sang chơi”.
Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục là, để con tôn trọng sự cho phép của cả bố và mẹ thì bạn hoặc chồng bạn không nên thường xuyên đơn phương ra quyết định. Khoảng 2 tuổi là con bạn đã bắt đầu biết đòi cho đi chơi công viên, đòi ăn kẹo hay mua đồ chơi.
Ngay từ nhỏ, bạn nên dần tập cho bé thói quen suy nghĩ “luôn có sự quyết định của cả bố và mẹ trong mỗi việc làm và ý kiến của cả mẹ và bố đều có tầm quan trọng như nhau”. Chẳng hạn như bé muốn được đi chơi công viên vào cuối tuần, bạn chưa nên đưa ra quyết định là “Có” hay “Không” ngay mà nên nói với bé “Để mẹ hỏi xem bố có bận việc gì không đã nhé”. Hoặc khi bé vào siêu thị shopping cùng bố mẹ, bé thích mua một chiếc xe ôtô đồ chơi, bạn không nên đồng ý ngay mà hãy nói với bé: “Mẹ thấy chiếc xe này đẹp đấy nhưng con thử hỏi bố xem sao”…