Chẳng cần chờ đến khi biết chữ, bé con mới có thể làm bạn với sách. Ngay từ lúc chưa đầy 1 tháng tuổi, mẹ đã có thể giúp bé kết thân với sách.
0 – 12 tháng: Nào ta cùng khám phá
Chọn loại sách nào?
– Sách được làm từ các chất liệu mềm như vải, xốp, nhựa… (sách ngoại văn) giúp bé có thể cảm nhận được các chất liệu khác nhau khi sờ tay vào từng cuốn sách.
– Sách âm thanh (sách ngoại văn).
– Sách hình ảnh, giấy cứng, khổ nhỏ.
– Sách khám phá, giấy cứng, khổ nhỏ.
– Sách thơ, đồng dao. Ví dụ: “Đồng dao cho bé”. Tùy vào tuổi của bé mà bạn hãy giản lược bớt câu từ. Ví dụ: “Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” lược thành: “Con gà cục tác, con lợn ủn ỉn”… khi đọc cho các em bé dưới 6 tháng.
Sách giúp bé nhận biết thế giới xung quanh. Bé nghe thấy các âm điệu cao thấp, trầm bổng qua giọng đọc của mẹ. Và bé nhìn thấy sự chuyển động tay của mẹ khi lật từng trang sách.
6 tháng tuổi, bé đã bắt đầu hiểu từ và có thể nhớ tên các đồ vật quen thuộc. 9 tháng, khi mẹ đọc “cái thìa” hay “ô tô”, bé biết nhìn vào đồ vật đó. Mẹ hãy đọc đi đọc lại nhiều lần một cuốn sách mà đừng lo rằng bé sẽ chán. Ngược lại, điều đó sẽ giúp bé ghi nhớ các hình ảnh và từ vựng khác nhau vào trong đầu.
Khi con được 9-12 tháng tuổi, mẹ có thể đặt cuốn sách nhỏ xinh vào tay bé và để bé “đọc” theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng thích ngay việc đọc. Bé có thể ngọ nguậy hoặc bỏ đi chỗ khác. Nếu vậy, mẹ hãy tạm dừng và chọn thời điểm khác để thử lại. Nhớ là đừng bao giờ bỏ cuộc. Lúc đầu, bạn chỉ cần hướng cho bé tập trung khoảng 5 phút, dần dần, bé sẽ có được thói quen.
1 – 03 tuổi: Sách trở nên thân thuộc
Chọn loại sách nào?
– Sách tranh truyện, giấy cứng: nhiều hình ảnh, ít lời, màu sắc tươi tắn. Ví dụ các bộ: “Một ngày ở vườn thú”, “Nếu mình là…” (Công ty Sách Tuổi Thơ); “Mèo con”, “Bê con” (NXB Kim Đồng).
– Sách tranh, giấy cứng, có hoạt động kèm theo: Ví như: “Tìm vật tương ứng”, “Mẹ tìm con” (NXB Giáo Dục). Sách được thiết kế “2 trong 1” rất thú vị. Bé có thể chơi trò tìm các trang tương ứng với nhau, ví dụ đã có trang “con thỏ” rồi, bé sẽ lật tìm trang có “cà rốt”… Hay các cuốn: “Ai sống ở đâu”, “Mẹ là ai? Con là ai?”, “Bữa trưa có món gì nào?”, “Đoán xem tôi là ai” (NXB Kim Đồng), bé có thể xem tranh rồi kéo các miếng bìa theo mũi tên chỉ (ngang, lên, xuống) để khám phá hay tìm câu trả lời.
Sách đã trở thành đồ vật thân quen của bé. Bạn hãy tạo cho bé thói quen hàng ngày: đọc sách trước khi đi ngủ (sau một ngày hoạt động bé rất cần được thư giãn nhẹ nhàng để đi vào giấc ngủ ngon).
Đầu tiên, bạn hãy để bé tự chọn cuốn sách yêu thích (bé sẽ rất vui vì “được chọn”). Đọc sách cho con ở độ tuổi này, bạn hãy ưu tiên việc “xem” và cùng “phân tích hình ảnh” hơn là đọc một lèo từ trang này sang trang khác. Ví dụ, bạn dừng lại ở bức tranh “gấu con đi nhà trẻ và khóc nhè”. Bạn hãy bảo con an ủi bạn gấu, giải thích với bạn ấy rằng đi nhà trẻ rất vui, đến chiều, gấu mẹ sẽ đón về. Qua đó bạn đã mang lại cho bé cảm giác yên tâm, an toàn.
Tuổi này bé rất thích các cuốn sách có hoạt động tương tác điều khiển bằng tay, nên bạn hãy để bé tham gia cùng. Chẳng hạn, hãy hỏi “Ai đang nấp đằng sau đống rơm kia thế nhỉ?”, để bé thích thú lật miếng bìa “đống rơm” và ồ lên vui sướng khi nhìn thấy ở phía sau một cô gà mái đang nằm ấp trứng.
Bé rất thích nghe đọc với các tông giọng khác nhau. Vậy nên, bạn hãy nhớ thay đổi giọng điệu và biểu cảm. Nhân vật trong truyện đang ngủ? Bạn hãy đọc khe khẽ vào tai bé. Cô giáo phê bình lợn con vì đã không ngoan? Bạn cao giọng hơn và tạo vẻ mặt nghiêm nghị. Rồi tương tự đến các tình huống khác, bạn hãy nhường chỗ để bé vào vai. Cách đọc mà chơi này thực sự có lợi cho việc phát triển trí tưởng tượng của bé, giúp bé hình dung nếu mình là ai, mình sẽ thế nào…
Ngoài ra, bạn hãy bắt đầu dạy con các kỹ năng sống và giải thích với bé những khái niệm đầu tiên về màu sắc, hình dạng, cách so sánh qua tranh hay tình huống trong sách truyện. Ví dụ, trước khi ăn cơm, bạn Linh đi rửa tay, vậy thì bạn đặt câu hỏi cho bé: “Vì sao cần phải rửa tay sạch sẽ?”… Nếu bé chưa biết, thì bạn giải thích. Nếu bé biết rồi, thì bạn “ôn tập” và mở rộng thêm kiến thức cho con.
3 – 05 tuổi: Sách đã thành bạn thân
Chọn loại sách nào?
– Sách tranh truyện: Ưu tiên các chủ đề gần gũi với sở thích và mối quan tâm của bé. Ví dụ, bé thích hoạt hình Pororo? Bạn có thể chọn cuốn “Chú chim Pororo” (NXB Kim Đồng).
– Sách tranh truyện theo bộ, cùng nhân vật. Ví dụ: “Thỏ trắng” (NXB Kim Đồng), “Ếch xanh” (Alphakids), “Elmer” (Đông A)…
– Sách cũ: Những cuốn sách bé đã có từ trước. Không sao, đây cũng là một cách “ôn tập” rất thú vị.
Đọc sách lúc này đã trở thành thói quen và hoạt động yêu thích của bé. Bạn sẽ thấy ở độ tuổi này, bé chủ động tham gia vào câu chuyện, bởi lẽ bé đã không chỉ biết nói mà còn biết đặt câu hỏi, thắc mắc và lý luận. Bé cũng yêu thích việc đọc sách hơn. Bạn hãy để ý mà xem, khi bạn không ngồi xuống đọc sách cùng, bé cũng sẽ tự động lấy sách ra xem và đọc theo cách riêng của mình.
Ở độ tuổi này, bạn không cần phải giản lược lời truyện nữa mà hãy đọc to, rõ ràng và chính xác phần lời. Bé sẽ nghe và nhập vào đầu các câu văn dài, cấu trúc phức tạp hơn. Nhờ thế mà vốn từ của bé càng được mở rộng. Nếu có thể, bạn hãy tạo cho bé một không gian đọc sách và một giá sách riêng. Ngoài việc đưa bé đi nhà sách, bạn hãy làm thẻ thư viện hoặc cho bé tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách. Bạn cũng có thể tạo cho con những bất ngờ nhỏ bằng việc đặt hoặc mua sách gửi theo đường bưu điện, trên phong bì ghi tên người nhận là bé.
Ngoài những cuốn sách truyền thống, bạn có thể cùng con khám phá “việc đọc” bằng các hình thức khác. Ví dụ: thỉnh thoảng bạn lại gửi cho bé một tấm bưu thiếp (sinh nhật, Tết…), cùng bé xem, đọc các thông tin trên vỏ hộp bánh, hộp đồ chơi…
Những lúc rảnh rỗi, bạn hãy cùng con ngồi “làm sách”. Rất đơn giản, ban đầu chỉ cần một tờ giấy A4 gấp đôi. Bạn hãy gợi ý hoặc để bé tự vẽ những thứ bé thích. Sau đó bạn hỏi bé vẽ gì rồi cùng ngồi sáng tác lời hoặc ghi lại nội dung theo lời kể của bé. Hình thức này không chỉ làm bé gắn bó với sách hơn mà còn kích thích trí tưởng tượng của bé.