Một sô bà mẹ thường nghĩ rằng con khóc nhiều là vì mình ít sữa, con bú chưa đủ no. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ khóc nhiều như vậy.
Cụ thể như sau:
– Trẻ bị bệnh: cần đưa trẻ đi khám.
– Trẻ tạm thời tăng trưởng nhanh, yêu cầu nhiều sữa hơn, điều này hay xảy ra lúc 2-3 tháng tuổi: cần thiết cho trẻ bú nhiều lần và mẹ cũng phải ăn nhiều hơn. Chỉ sau vài ngày, sữa mẹ sẽ tiết đủ nhu cầu của trẻ. Không nên cho trẻ bú bình vì như thế sẽ làm trẻ bú mẹ ít đi, dẫn đến sữa mẹ càng không đủ cho trẻ.
– Trẻ bị “colic”: đó là những cơn khóc không rõ nguyên nhân, trẻ chỉ khóc trong một thời gian nhất định thường là chập tối, kéo dài 1-2 giờ, sau đó tự nín. Khi nghĩ đến điều này phải loại trừ trẻ không bị bệnh, trẻ không bú bình, bú mẹ tốt và trẻ tăng cân bình thường. Khi chắc chắn trẻ khóc do “colic” thì bà mẹ yên tâm là không phải do mình thiếu sữa, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường. Bế trẻ lên lấy tay, áp sát bụng trẻ, có thể để ba bế trẻ lên và áp bụng trẻ vào vai mình. Một thời gian trẻ sẽ hết. Không nên cho bú bình.
– Có thể trẻ bị dị ứng sữa bò do mẹ uống. Nếu mẹ ngưng sữa bò mà trẻ nín thì mẹ nên cữ sữa bò. Còn nếu mẹ ngưng uống sữa bò mà trẻ vẫn khóc thì không phải nguyên nhân này, mẹ vẫn có thể uống sữa bò bình thường.
– Trẻ khóc nhiều có thể do “cá tính” của trẻ, thích được ẵm bồng, thích được nâng niu. Với trẻ này cần luyện tập một cách từ từ.
Như vậy trẻ khóc có nhiều nguyên nhân chứ không phải là mẹ thiếu sữa. Cần tìm nguyên nhân để có cách giải quyết đúng nhất. Không nên cho trẻ bú bình trước khi tìm nguyên nhân.