Chúng ta có thể mang đến cho trẻ niềm vui trực tiếp từ những trò chơi, hay những món đồ chơi mà trẻ nhận được trong dịp sinh nhật… Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, trẻ còn cần có được những niềm vui khi chơi cùng bạn bè, khi tự mình vượt qua được những thử thách trong cuộc sống và cả khi học được thêm nhiều kỹ năng mới.
Đôi khi trẻ cảm thấy hứng thú khi đã lập được một “sào huyệt” bí mật trong vườn để bắt đầu cho hành trình khám phá thế giới tự nhiên của mình. Tất cả những kinh nghiệm này giúp trẻ nhận thức được năng lực của bản thân, chẳng hạn như khi lần đầu tiên trẻ ngồi xe đạp và đi được một cách tự nhiên mà không cần người đỡ.
Sở thích của trẻ luôn thay đổi
Sở thích về trò chơi của trẻ luôn thay đổi khi trẻ lớn lên. Điều đáng quan tâm là trẻ chơi những món đồ chơi hay trò chơi mà trẻ thật sự thấy hứng thú hay chưa? Vì chỉ có sự hứng thú mới khơi gợi được lòng nhiệt thành của trẻ, nó sẽ giúp trẻ phát triển tư duy khá rõ. Chúng ta nên biết rằng, đôi khi chỉ vì chịu áp lực từ bạn bè mà trẻ phải từ bỏ những trò chơi ưa thích của mình. Trong trường hợp đó, chúng ta nên giúp bé duy trì những sở thích cá nhân theo từng độ tuổi có ích hơn là cố gắng thay đổi những ý thích đó.
Cùng chơi với trẻ
Khi trẻ dần lớn lên, chúng ta rất dễ “quên” đi thói quen cùng chơi với chúng. Tuy nhiên, nếu cả gia đình có thể sắp xếp được thời gian để vui chơi cùng trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy vui hơn nhiều. Đó có thể là thời gian mà chúng ta chơi bóng cùng với trẻ trong công viên, hoặc những trò chơi: chơi cờ, thi hát… mà chúng ta có thể chơi trong nhà vào khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày. Mặc dù trong quá trình trẻ chơi cùng với anh chị em, không thể tránh khỏi những lúc xảy ra tranh cãi, song nguy cơ này không đáng kể so với thuận lợi là tạo ra được những cơ hội để mọi người trong gia đình hiểu rõ và gắn bó với nhau hơn. Bên cạnh đó, về mặt tâm lý trẻ cũng sẽ hăng hái hơn khi thấy chúng ta thích thú chơi cùng trẻ.