Tiếng Anh đang được sử dụng như là một ngôn ngữ của toàn cầu và nhiều bậc phụ huynh đã tính đến việc cho con cháu mình học tiếng Anh ngay từ tuổi mẫu giáo. Vì vậy, họ cũng đang đứng trước nỗi lo việc này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tiếng mẹ đẻ của bé. Trái với lo lắng này của nhiều người, việc cho bé yêu học tiếng Anh ngay từ khi còn rất nhỏ sẽ mang đến những hiệu quả bất ngờ.
Vì sao nên cho con học tiếng Anh từ sớm?
Trẻ nhỏ tiếp thu ngôn ngữ một cách rất tự nhiên. Khác với những người lớn, các em tiếp nhận ngôn ngữ mà không nhận thức được rằng mình đang học ngôn ngữ đó. Các em có khả năng bắt chước cách phát âm và tự mình tìm ra các quy tắc. Chỉ có những người học tiếng Anh một cách bài bản thông qua những quyển sách ngữ pháp khi đã nhiều tuổi mới cảm thấy việc học nói tiếng Anh thật là khó, chứ với trẻ thì không như vậy.
– Trẻ nhỏ vẫn đang vận dụng những chiến lược học ngôn ngữ có tính bẩm sinh của riêng các em vào việc tiếp nhận tiếng mẹ đẻ và sẽ sớm nhận thấy rằng, các em cũng có thể áp dụng những chiến lược này vào việc học tiếng Anh.
– Trẻ nhỏ có thời gian học ngôn ngữ thông qua những hoạt động giống như trò chơi. Các em học ngôn ngữ thông qua việc tham gia vào hoạt động có sự tham gia của người lớn. Trước tiên, các em sẽ tìm thấy ý nghĩa của hoạt động đó, rồi tìm ra ý nghĩa của ngôn ngữ mà người lớn sử dụng.
– Những bé có cơ hội học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ khi các em còn nhỏ thì sẽ sử dụng những chiến lược học ngôn ngữ bẩm sinh tương tự trong suốt cuộc của mình khi học thêm những ngôn ngữ khác. Học ngôn ngữ thứ ba, thứ tư hay nhiều hơn thế sẽ dễ dàng hơn là học ngôn ngữ thứ hai.
– Dường như những trẻ học tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên thay vì học một cách có ý thức như cách mà những đứa trẻ lớn hơn và người lớn vẫn làm sẽ có khả năng phát âm và cảm thụ ngôn ngữ văn hoá tốt hơn. Khi những đứa trẻ đến tuổi dậy mới chỉ biết nói một thứ tiếng thì có khả năng tự ý thức hơn về bản thân, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên của các em biến mất và các em cảm thấy không có cách nào khác là phải học tiếng Anh một cách có ý thức thông qua những chương trình học ngữ pháp. Độ tuổi diễn ra sự thay đổi này tuỳ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của từng trẻ cũng như kỳ vọng của xã hội nơi các em sống.
Vậy, bố mẹ có thể giúp gì cho bé yêu?
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ có thể tạo cho con một môi trường ngoại ngữ phong phú. Bạn hãy thử tham khảo một số cách dưới đây để giúp bé làm quen và phản xạ tốt với tiếng Anh nhé!
1. Đặt tên nước ngoài theo cách gọi thân thiết ở nhà cho mỗi bé. Ví dụ như Tom, Bill,… để bé làm quen với tiếng Anh. Có thể dạy bé xưng hô với bố mẹ, người lớn trong gia đình theo cách xưng hô nước ngoài. Ví dụ: Daddy, mummy, …
2. Tập cho bé thói quen và vận dụng thành thạo các từ ngữ chào hỏi một cách nhẹ nhàng. Ví dụ: chúc ngủ ngon: good night, chào tạm biệt: good bye…
3. Dạy bé các bộ phận trên cơ thể con người như: đầu, tóc, mắt, mũi, tay, chân… và kèm theo việc dạy bé bằng tiếng Anh. Thỉnh thoảng, hai mẹ con lại chơi trò đố xem ai nhớ từ nhanh hơn. Ví dụ: mẹ nói là mắt, bé sẽ nói là eyes và ngược lại.
4. Với những từ ngữ mẹ dạy bé bằng tiếng Việt, nên kèm thêm dạy bé từ này trong tiếng nước ngoài đọc như thế nào. Vốn từ ngữ đó đặc biệt phải gắn với sinh hoạt hàng ngày của bé ở trường mẫu giáo, trường học và ở nhà. Cách này sẽ giúp bé ghi nhớ rất nhanh và làm giàu vốn từ tiếng Anh của bé. Ví dụ: quả táo – an apple, con mèo – a cat, đi chơi: to go, vườn bách thú: a zoo.
Khi mẹ dạy bé, có thể kèm theo các tranh ảnh minh họa và chỉ cho bé xem chữ cái bằng tiếng Anh để bé nhận mặt chữ và ghi nhớ dần dần.
5. Khuyến khích bé đặt câu hỏi để tìm từ trong tiếng Anh. Ví dụ: trời mưa, mẹ có thể hỏi: “Bill ơi, đố con biết mưa trong tiếng Anh nói thế nào?” và mẹ giải thích cho bé hiểu. Mẹ cứ đặt thật nhiều câu hỏi và đố bé hoặc động viên để bé đặt câu hỏi ngược lại với mẹ.
Khi bé đặt câu hỏi, nếu như chưa nhớ ra từ tiếng Anh, mẹ có thể tra từ điển và giải thích cho bé hiểu ngay trước mặt bé. Điều này làm tăng độ tin cậy của bé với mẹ trong việc học ngoại ngữ.
6. Luyện cho bé làm quen và học tiếng Anh qua các bài hát ngắn, đơn giản, dễ nhớ, giai điệu vui. Thường xuyên cho bé xem những băng đĩa, tranh ảnh dạy tiếng nước ngoài dành cho trẻ em. Bố mẹ cũng nên chọn tìm đọc những giáo trình dạy tiếng nước ngoài phù hợp với độ tuổi của bé để tham khảo thêm.
7. Rèn cho bé học ngoại ngữ thông qua những mẫu câu ngắn, dễ nhớ.Ví dụ: Con tên là gì? Con bao nhiêu tuổi? Bố con tên là gì? Con học ở trường nào? Trong nhà con có những ai?
8. Gắn liền những kiến thức bé học được với thực tế: Tạo cơ hội cho bé giao tiếp bằng vốn từ mà bé học được, thông qua đó vừa rèn luyện, nâng cao được khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của bé, vừa cho bé thấy được ý nghĩa của việc học tiếng Anh và thêm hứng thú với việc học. Ví dụ, gặp một người nước ngoài cha mẹ có thể chào hỏi và hướng dẫn trẻ chào bằng tiếng Anh: Good morning…
Để đạt được hiệu quả tốt, bố mẹ cố gắng tạo ra các hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn bé và duy trì chúng thường xuyên.