Trước tình hình thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhiều phụ huynh dễ hoang mang, lo lắng. Gương mặt phờ phạc, hai má đỏ gay vì nóng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chị Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) không giấu được vẻ mệt mỏi sau gần một tuần chăm sóc cô con gái năm tuổi tại bệnh viện Bạch Mai do bị tiêu chảy cấp.
Bế con rong ruổi dọc hành lang, nhìn cảnh tượng các em bé mếu máo khóc, đôi lúc như lịm đi vì mệt, người nhà bệnh nhân nằm, ngồi la liệt, “oằn lưng” chống chịu cái nóng như đổ lửa của Hà Nội những ngày này, vẻ uể oải hiện rõ trên từng gương mặt, chị Nga không khỏi lo lắng: “Tình hình này, có khi khỏi được bệnh này thì lại mắc thêm bệnh khác!”
Quá tải vì nắng nóng
Mới 10 giờ sáng nhưng cái nắng gay gắt đầu mùa đã khiến bầu không khí trong bệnh viện Bạch Mai ngột ngạt, bí bách đến khó chịu. Người đứng, kẻ ngồi la liệt, người lớn và trẻ em nhấp nhô chờ đến lượt vào khám. Tiếng khóc nấc lên đầy vẻ sợ hãi của các bệnh nhân nhí càng khiến bầu không khí thêm bức bối.
Tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, các giường bệnh đều phải nằm ghép 3-4 cháu/giường (ngoại trừ phòng dịch vụ điều trị theo yêu cầu).
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Khoảng hơn một tuần trở lại đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đầu hè đã khiến số lượng trẻ em phải nhập viện tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 200 trẻ vào khám, cao điểm có ngày lên tới trên 350 em, tăng gấp đôi so với ngày thường. Trong đó, trẻ em dưới một tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, biến chứng viêm phổi chiếm số lượng tương đối lớn.
Trong khi đó, cả khoa chỉ có 60 giường bệnh nên liên tục diễn ra tình trạng quá tải. Phần lớn các bệnh nhân nhập viện vì những chứng bệnh phổ biến trong mùa hè như thủy đậu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt siêu vi,…
Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra nhiều ngày nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương: Những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mà trong đó, nguyên nhân liên quan đến nắng nóng tăng đột biến. Đặc biệt, một số bệnh như sốt virus, say nắng nóng, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu.
“Số bệnh nhân nhập viện những ngày này khoảng 2.500-3000 bệnh nhân/ngày. Con số này so với ngày thường có thể không tăng nhưng trong đó, số lượng bệnh nhân do nắng nóng thì tăng lên nhiều,” ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh vào mùa hè liên quan đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như tiêu chảy, kiết lị cũng tăng lên đáng kể.
Một số bệnh như sốt virus bình thường có thể chăm sóc ở nhà nhưng nắng nóng làm trẻ dễ sốt cao và phải đưa tới bệnh viện.
Tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), số trẻ em nhập viện vì những chứng bệnh do thay đổi thời tiết cũng tăng mạnh. Bác sỹ Nguyễn Lan, khoa Hô hấp Nhi, cho biết: Từ khi Hà Nội bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè này tới nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 cháu nhập viện (tăng khoảng 40% so với ngày thường).
Cẩn trọng để tránh… “khám oan”
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng số trẻ em nhập viện tăng cao trong thời gian này, Tiến sỹ Nguyễn Bình, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, cho biết: Những ngày gần đây nhiệt độ tăng cao bất ngờ khiến cơ thể trẻ em không thích nghi kịp. Cùng với đó, thời tiết đầu hè cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus sinh sôi, phát triển nhanh. Trong khi đó, sức đề kháng của trẻ em còn kém nên khả năng nhiễm bệnh sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh chưa biết chăm sóc trẻ một cách khoa học nên cũng dễ dẫn đến việc vô tình khiến trẻ… mắc bệnh. Đơn cử như việc, ở giai đoạn đầu hè, nhiều bậc cha mẹ vẫn sợ con bị lạnh do mới chuyển mùa, nên vẫn mặc cho trẻ trang phục không phù hợp với thời tiết. Từ đó, trong quá trình hoạt động, mồ hôi ra nhiều sẽ thấm ngược vào cơ thể, khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến trẻ em phải nhập viện nhiều là do: “Mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước của trẻ tăng lên, đặc biệt những trẻ em vốn có bệnh mãn tính như hen, tim mạch, nội tiết, thần kinh sẽ trở bệnh. Thời tiết này làm bệnh mãn tính của trẻ nặng hơn,” ông Bình phân tích.
“Thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn ra những đợt nắng nóng kéo dài khác và mùa hè là thời gian dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, rubella, tiêu chảy,… Các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân cho trẻ,” bác sỹ Hải khuyến cáo.
Theo ông, các bậc phụ huynh cần chú ý việc bảo quản thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn đồ ăn tươi, bổ sung đủ nước và các loại rau củ, hoa quả mát để trẻ tăng cường sức đề kháng; đồng thời, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, hạn chế di chuyển quãng đường dài. Mặt khác, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh thông thoáng nơi ở, tiêu diệt các loài vật trung gian gây bệnh như ruồi, muỗi,…
“Trước diễn biến thực tế này, nhiều bậc phụ huynh cũng dễ rơi vào tâm lý lo lắng, hoang mang, thấy dấu hiệu bất thường là đưa con đi khám. Đây cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên cập nhật kiến thức về các chứng bệnh. Với một số biểu hiện lạ ở trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần quan sát, theo dõi, tránh tình trạng đi khám ồ ạt để hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện và giảm bớt sự tốn kém, tránh sự mệt mỏi cho chính mình và các cháu nhỏ” bác sỹ Nguyễn Lan, bệnh viện Xanh Pôn, nhấn mạnh.