Ôi, mới ngày nào còn cho con bú mớm, thế mà nhoáng cái, con đã đến tuổi dậy thì... Nhiều phụ huynh có con trong tuổi dậy thì (13 đến 17 tuổi) cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với con, thậm chí lúng túng trong việc dạy trẻ.
Mặc dù việc học tập và các sinh hoạt khác chiếm đa số thời gian của trẻ, phụ huynh vẫn nên dành thời gian hàng ngày để chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với trẻ.
Đừng chỉ quan tâm chuyện học của con
Buổi tối, bạn nên dành thời gian để lắng nghe con nói về những sinh hoạt của trẻ, để xem trẻ có thích thú hoặc gặp khó khăn gì. Phụ huynh đừng chỉ quan tâm đến điểm học của trẻ vì áp lực học tập đang là gánh nặng cho học sinh, mà nên lưu ý cả tính khí và cảm xúc của trẻ.
Phụ huynh nên nói chuyện trực tiếp với trẻ, thay vì nói về trẻ với người khác. Nên đặt câu hỏi mở, ví dụ “Hôm nay có những điều gì làm con thấy thích thú?” để trẻ có thể đối thoại với cha mẹ. Phụ huynh có thể tranh thủ thời gian đưa con đến trường hoặc ngay cả lúc xếp hàng trả tiền trong siêu thị để nói chuyện với con. Cũng có thể cùng con tham gia sinh hoạt thể thao, trò chơi, hoặc bàn luận thời sự như kết quả một trận bóng đá hoặc một phim truyện.
Đề tài: không giới hạn
Trẻ vị thành niên thường giao tiếp như người lớn. Trẻ hiểu được ngôn ngữ trừu tượng. Tuy nhiên, giao tiếp không chỉ là dùng và hiểu từ ngữ, mà còn là suy nghĩ về bản thân, các bạn cùng trang lứa và hình ảnh của những người có thẩm quyền.
Trẻ muốn sống tự lập và xây dựng bản thân dựa trên những mẫu gương sống xung quanh. Trẻ bắt đầu quan tâm đến các vấn đề luân lý như tình yêu, tình bạn, tình dục, sự sống, sự chết, thành công, thất bại… Trẻ cần trao đổi với người lớn về tất cả những vấn đề đó.
Nếu khó theo cả nghĩa đen?
Khó khăn trong ngôn ngữ thường được phát hiện sớm hơn, như trẻ chậm nói khi đã được 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè do chứng nói lắp, ảnh hưởng đến học tập và quan hệ xã hội. Phụ huynh nên cho trẻ khám âm ngữ để chuyên viên có cách điều trị cho trẻ.
Nếu chứng nói lắp kéo dài và kèm theo các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói như nói khàn, vừa nói vừa thở, nói gắt thì phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra tai mũi họng. Nếu không phát hiện vấn đề y khoa mà trẻ có những thay đổi hành vi, như thách thức, chống đối người lớn hoặc sa sút học tập, thì nên nhờ chuyên viên tâm lý giúp đỡ.
Với những thay đổi thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì, trẻ có thể trải qua cơn khủng hoảng về tư duy, hành vi và cảm xúc. Phụ huynh nên đồng hành với trẻ như một người bạn để lắng nghe, cảm thông, động viên trong khi vẫn thiết lập giới hạn và kỷ luật hơn là trách mắng, đánh phạt, làm đau thân thể vốn rất nhạy cảm của trẻ giai đoạn này.
Mọi cách ứng xử bạo lực của người lớn sẽ vô tình làm cho cơn khủng hoảng của trẻ trầm trọng hơn. Trên hết mọi sự, gương sống mẫu mực của cha mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của trẻ.