Sắp cho con học lớp 1, cất công đi tìm hiểu để đăng ký, khi ghé vào trường công, chị Xuyên tá hỏa khi thấy lớp học quá đông và cô giáo thì đang gõ đầu học sinh. Đã định cho con học ở một trường tư có tiếng gần nhà nhưng khoản đóng góp gần 5 triệu/tháng khiến vợ chồng chị toát mồ hôi hột.
Cô con gái chuẩn bị vào lớp 1 sau hè này, nửa tháng nay, chị Xuyên (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) chạy đôn đáo tìm hiểu các trường và căng thẳng đứng trước các lựa chọn.
Chị Xuyên kể, cả hai vợ chồng chị đều có thu nhập ổn định, lại mong con luôn được chăm sóc tốt nhất và không bị nhồi nhét kiến thức nên từng đinh ninh bé vào lớp 1 sẽ theo học trường tư cùng hệ thống với trường mầm non đã học. Thế nhưng, khi đi mua hồ sơ đăng ký học cho con, chị toát mồ hôi khi biết, riêng tiền học phí của cháu đã là 2.800.000 mỗi tháng, cộng thêm cả tiền bán trú, ăn uống thì chi phí lên tới gần 5 triệu đồng.
“Hiện tại, gia đình mình vẫn có khả năng để trang trải chi phí này cho con học, nhưng sau này thì chưa nói trước được điều gì, nhất là lại sắp có bé thứ hai”, chị Xuyên chia sẻ.
Vì lý do này, chị tìm tới một trường tiểu học công lập gần nhà để tham khảo, nhưng tá hỏa khi chứng kiến cảnh một lớp có gần 60 học sinh đang mướt mải ghi chép và cô giáo thì sẵn sàng gõ đầu từng em.
“Lớp mầm non của con mình có gần 30 bạn, cháu đã quen được các cô đối xử mềm mỏng, nhẹ nhàng rồi, giờ mà phải học như thế này thì con bé không thể chịu được”, chị Xuyên thổ lộ.
Cuối cùng chị đành quyết định cố gắng tiết kiệm các khoản khác để dành tiền cho con được học trường tư.
Cũng đau đầu về việc chọn trường cho con, chị Nguyệt (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) cho biết, ban đầu, chị thích cho con vào một trường công thuộc diện “điểm” gần nhà nhưng nhưng khi tham khảo ý kiến bạn bè, chị nhận được nhiều lời khuyên trái ngược.
“Cô bạn có con đang học trong trường đó khuyên mình nên chọn trường tư vì cô ấy phát hoảng khi lúc nào cũng thấy con căng thẳng bởi lớp sĩ số đông, cô giáo lại chạy theo thành tích, luôn ép học sinh học thêm. Bởi thế, mình cũng đâm lo vì bé gái nhà mình hơi nhút nhát, lại hay ốm”, chị Nguyệt kể.
Khi tìm hiểu một số trường tư định cho con vào học, chị yên tâm hơn vì các lớp đều ít và các cô chăm sóc tốt nhưng lại nảy sinh một mối lo khác: Sau này nếu chuyển con sang trường công thì có thể cháu sẽ thấy hụt hẫng, thậm chí sốc vì không thể thích nghi được.
“Bố mẹ chồng mình muốn cháu theo học trường điểm này vì có người quen biết, hơn nữa, các cụ cho rằng giáo dục trong các trường này mới chuẩn và quy củ. Thế nên tới giờ mình vẫn lăn tăn”, chị Nguyệt bộc bạch.
Có hộ khẩu ở Nghĩa Tân nhưng gia đình lại đang sống ở Cầu Diễn, chị Thanh, kế toán một công ty về xây dựng ở Hà Nội cũng đầy do dự khi quyết định địa điểm học của cô con gái lớn.
“Nếu cho con đi học trường công đúng tuyến thì phải đi xa, mà hai vợ chồng đều đi làm về muộn, không tiện đưa đón. Mà xin cho cháu vào trường công gần nhà thì khá tốn kém vì phải lót tay, mà lớp lại quá đông, không được ăn sáng tại trường, rồi chưa gì đã thấy các cô gợi ý cho con đi học thêm chữ”, chị Thanh bày tỏ.
Cũng muốn cho con học trường tư, nhưng vợ chồng chị lo ngại khoản chi phí quá lớn, khi chỉ hai năm nữa, cô con gái thứ hai cũng bước chân vào tiểu học. “Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng chưa đầy 20 triệu, vẫn phải tiếp tục trả góp tiền mua nhà năm ngoái, nên tốn cả chục triệu tiền học cho hai con là quá nặng”, chị nói.
Chia sẻ nỗi lo của không ít phụ huynh có con sắp vào tiểu học, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho rằng, lớp 1 vẫn được coi là cửa ải đầy khó khăn với trẻ, và việc đắn đo lựa chọn một môi trường tốt cho con học tập là hoàn toàn dễ hiểu và chính đáng.
Theo bà, từ mẫu giáo lên tiểu học là một bước ngoặt lớn đối với trẻ, khi hoạt động chủ đạo của các em thay đổi từ vui chơi sang học tập. Môi trường học tập giai đoạn này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý, hình thành những đặc điểm tính cách của trẻ, liên quan tới cả quá trình theo đuổi việc học, như tính kỷ luật, sự chăm chỉ, óc sáng tạo, tư duy…
“Tiêu chí quan trọng nhất khi chọn trường cho con lúc này là tìm được nơi tốt để trẻ thích nghi nhanh chóng, có hứng thú học tập”, nhà tâm lý nói.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, trước thực tế giáo dục hiện nay thì việc lựa chọn thực sự khó khăn với các bậc phụ huynh. Trường công với ưu điểm là dạy theo bài bản, quy chuẩn và có chi phí rẻ, nhưng thường lại quá đông, chương trình học nặng nề nên bố mẹ lo con bị quá tải, không được chăm sóc tốt. Các trường tư thường sĩ số lớp ít hơn, học sinh sẽ được ngồi học thoải mái, chương trình học nhẹ nhàng và cô giáo có thể quan tâm sát sao hơn, nhưng chi phí không dễ gánh, nhất là với các gia đình có thu nhập trung bình.
“Bài toán lựa chọn trường nào vẫn luôn khó giải, và phải phụ thuộc vào từng điều kiện gia đình. Tuy nhiên, để lựa chọn nơi phù hợp với con, bố mẹ nên đến tận trường để xem xét cơ sở vật chất, cách dạy, đồng thời tham khảo ý kiến những phụ huynh từng có con học ở đó”, nhà tâm lý chia sẻ.
Về vấn đề này, tiến sĩ giáo dục Đinh Thị Kim Thoa, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng, cả hệ thống công và tư đều có trường tốt và không. Và việc chọn trường cho con, ngoài phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, khoảng cách từ trường tới nhà thì điều quan trọng nhất chính là dựa vào đặc điểm thể chất, tính cách của trẻ.
“Những bé ‘lành tính’, có khả năng tuân thủ kỷ luật cao và dễ thích nghi có thể sẽ không bị áp lực nếu học trường công và nhanh chóng hòa nhập môi trường mới. Ngược lại, ở cùng môi trường đó, nếu trẻ đã ‘cá biệt’ sẽ càng dễ bị coi là ‘bất bình thường’ và khó đạt được kết quả học tập tốt”, bà dẫn chứng.
Tiến sĩ Thoa cũng cho rằng, thực tế, với trẻ nhỏ, cả mẫu giáo và mới vào tiểu học, thì cách giáo dục của gia đình, ứng xử của bố mẹ vẫn là quan trọng nhất. Thực tế, việc trẻ bị nhồi nhét kiến thức hay không nhiều khi không phải vì bé học ở trường công hay tư, mà do chính phụ huynh, vì quá kỳ vọng vào con nên tạo áp lực, vô tình gây quá tải cho trẻ.
“Tạo lập cho con sự tự tin, chủ động từ nhỏ, có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khác nhau và chuẩn bị tâm thế vào lớp 1 thật tốt sẽ giúp bé nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, dù đó là trường công hay tư. Đó là việc tốt nhất bố mẹ có thể làm cho con”, bà chia sẻ.