Trẻ biết sớm là một điều tốt và có thể đó là dấu hiệu của một thiên tài. Các nhà khoa học về tâm lý đều biết rằng nếu không nuôi dưỡng và phát triển thì qua cái ngưỡng phát cảm về tâm lý, những thần đồng đó cũng sẽ lại… bình thường.
Hai mặt của danh hiệu “thần đồng”
Như lời cảnh báo của các bác sỹ và nhà tâm lý học, trẻ có khả năng đặc biệt là rất hiếm, nhưng để nuôi dưỡng khả năng đặc biệt đó, vai trò của bố mẹ rất quan trọng. Nhiều bậc làm cha mẹ không dấu nổi sung sướng và hãnh diện khi con mình được liệt vào dạng thần đồng, nhưng cũng có không ít người lo ngại khi thấy bé được tôn vinh.
Lý giải từ Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, nguyên Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều em bé được coi là “thần đồng” bởi được sinh ra trong môi trường chữ hoặc gia đình có người làm giáo viên, những người có học vấn cao, có gene thông minh.
Trong năm 2011, nước ta cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng được coi là “thần đồng” như: Nguyễn Tuấn Kiệt (Nghệ An) 3 tuổi biết đọc báo và đếm từ 1 đến 100, phân biệt mệnh giá tiền. “Thần đồng” Phạm Thanh Ngọc (Lâm Đồng) 11 tuổi chưa học qua lớp 1 nhưng đã giải được toán lớp 12. “Thần đồng” Nguyễn Đức Hoàng 2 tuổi biết đọc chữ, làm toán… Tuy nhiên, những “thần đồng” này cũng chỉ kịp lóe sáng rồi vụt tắt…
Trong số các “thần đồng” được phát hiện, duy nhất một trường hợp trẻ có khả năng đặc biệt mà như chúng ta vẫn gọi “thần đồng” được Bộ GD&ĐT quyết định đặc cách vào lớp 1 khi mới 5 tuổi. Cậu bé “thần đồng” Hoàng Thân (sinh năm 2000 tại Định Hoá, Thái Nguyên) biết đọc từ khi 3 tuổi, học 2 ngày lên 3 lớp, hằng năm em đều đạt giải thưởng sáng tạo… Nhưng sau 9 năm, Hoàng Thân hiện đang học lớp 8 trường THCS Đại Kim chỉ dừng ở học lực khá và hay… bỏ học.
Còn “thần đồng” Phó Đức Bình An (sinh năm 1999, Hà Nội) với khả năng tính nhẩm siêu phàm trong phạm vi 100 khi mới 3 tuổi. Nhưng hiện tại, Bình An cũng chỉ dừng lại ở học lực bình thường, riêng môn toán vẫn học tốt nhưng ít khi được điểm tối đa vì… trình bày cẩu thả.
“Thần đồng” Trần Nam Sơn (sinh năm 1983 ở Quảng Ninh với tài năng biết đọc khi chưa biết nói. Tuy nhiên, theo gia đình em Sơn, đến nay em không thể phát huy được những khả năng thiên bẩm của mình mà ngày càng nhút nhát, rất ít khi đi chơi, không thích đến những nơi đông người.
Một cựu “thần đồng” khác ở đất mỏ Quảng Ninh, em Lê Thị Mai (sinh năm 1982) cho biết: “Hai chữ ‘thần đồng’ đã đánh cắp tuổi thơ tôi”.
Mới đây nhất là trường hợp cậu bé Lưu Văn Quân (3/9/2006) tại Đông Sơn, TP.Thanh Hóa. Lên 3 tuổi bé đã đọc vanh vách, không cần đánh vần, thậm chí cậu bé còn đọc được cả một số từ tiếng Anh… Tuy nhiên, lên 6 tuổi, bé Quân bắt đầu làm cha mẹ lo lắng vì những biểu hiện bất thường như chỉ quan tâm duy nhất đến đọc tờ quảng cáo, khuyến mãi.
Trường hợp một em bé tên M ở Hà Đông (Hà Nội), biết ghép chữ cái trên báo, biết tính nhẩm hai con số khi mới lên ba. Tin tưởng rằng con mình là “thần đồng”, gia đình quyết định cho bé đi học sớm. Tuy nhiên, khi đi học, cô giáo phát hiện bé M mắc bệnh tự kỉ.
Chế độ đào tạo riêng cho thần đồng
Theo một nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Middlesex (Vương quốc Anh): Rất ít trẻ được coi là “thần đồng” khi còn nhỏ học vượt cấp có thể phát huy được năng lực của mình khi trưởng thành… Do đó, nuôi dưỡng trẻ có năng khiếu, trí óc đặc biệt nên trở thành vấn đề cần quan tâm của xã hội bởi những con người này là rất hiếm hoi.
TS Tâm lý Trần Thị Thu Mai, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trẻ có biểu hiện những năng khiếu đặc biệt nếu không được nuôi dưỡng thì sẽ thui chột đi. Ở nhiều nước trên thế giới, những trẻ em có trí óc đặc biệt thường có môi trường để bồi dưỡng riêng và vì thế họ dễ trở thành những người tài giỏi.
Từ nhiều năm nay, nhiều nhà giáo dục đã kiên trì đề nghị Bộ GD&ĐT có chính sách phát triển những học sinh có khả năng đặc biệt. Tuy nhiên, đã từ lâu Bộ GD&ĐT cũng như các cơ quan hữu quan chưa hề có một công trình nghiên cứu về hiện tượng “thần đồng”, cũng như những giai đoạn phát triển tiếp theo của những em bé có khả năng đặc biệt khiến chúng ta đang “bỏ lỡ” thiên tài.