Với chương trình giáo dục mầm non, trẻ hoàn toàn có cơ hội làm quen với mặt chữ, tập tô… đủ hành trang để bước vào lớp 1. Tuy nhiên, trên thực tế, một số bậc phụ huynh vẫn cho con mình đi học chữ, làm toán sớm.
Sự kỳ vọng hay chương trình nặng?
Theo ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), việc cho trẻ đi học chữ sớm xuất phát từ sự kì vọng và quan tâm quá mức của phụ huynh (PH). Trên thực tế nếu đỗ lỗi cho chương trình lớp 1 nặng mà HS ở thành phố lớn phải đi học trước thì thử hỏi HS vùng cao, nông thôn… sẽ như thế nào?
Như vậy, theo những phân tích của Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học thì việc PH đỗ lỗi cho chương trình nặng nên cho con đi học sớm là hoàn toàn thiếu tính thuyết phục.
Hãy nhìn vào thực tế, ở Hà Nội trong những năm gần đây xuất hiện các mô hình trường chất lượng cao, trường điểm. Đây là những trường nằm ngoài hệ thống công lập nên thường những yêu cầu thi tuyển đầu vào. Mong muốn cho con được theo học ở những trường như thế này nên không ít PH đầu tư cho con đi học chữ, làm toán sớm… để có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh đầu vào.
Hiện nay, hầu hết các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 1 đều cho rằng đề thi chủ yếu khảo sát trình độ nhận thức, phán đoán (IQ) của trẻ. Trong khi đó, tâm lý của PH thì cho rằng, nếu trẻ không đi học chữ, làm toán trước thì khả năng vượt qua kì thi này là không thể. Cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận: Đây là sự lựa chọn tự nguyện của phụ huynh chứ không ai ép buộc họ.
“Theo quy định của Luật Giáo dục thì mọi trẻ em 6 tuổi đều được “mời” vào học lớp 1 ở một trường công thuộc địa bàn. Những trường công này không được phép tổ chức thi tuyển hay kiểm tra đầu vào. Còn việc phụ huynh từ bỏ quyền lợi đáng có của con em mình để đến một “sân chơi” khác thì phải chấp nhận “luật chơi” của họ. Cũng phải lưu ý, dù trường ngoài công lập được phép tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu vào để chọn trẻ vào lớp 1 nhưng vẫn phải đảm bảo là không kiểm tra chữ hay làm toán. Nếu trường nào không tuân thủ quy định này là hoàn toàn sai” – ông Lê Tiến Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng cho rằng, không nên nhìn từ góc độ “sân chơi riêng” rồi quy kết chương trình lớp 1 nặng. Hàng năm, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1 với yêu cầu chuẩn ở mức độ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Còn việc giáo viên cố tình nâng cao hơn với chuẩn để tạo cho HS cảm giác thấy chương trình nặng nhằm một mục đích nào đó thì chúng ta cần phải chấn chỉnh kịp thời.
Trẻ học lớp 1: Cần sự quan tâm của gia đình
Cô Phạm Thị Yến – Hiệu trường Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều ngày nay các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 thuộc địa bàn đều hỏi tôi có nên cho con đi học trước hay không? Quan điểm của tôi rất rõ ràng là không. Điều mà tôi mong muốn là các bậc phụ huynh hãy rèn luyện cho con mình các kỹ năng cần thiết để làm tiền đề vào lớp 1”.
Cũng theo cô Yến, việc phụ huynh lo lắng lớp học đông khiến giáo viên không thể chăm lo, bảo ban cho từng trẻ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên nếu có sự quan tâm từ phía gia đình thì khâu này không có gì đáng phải bàn vì giai đoạn đầu trẻ cũng mới làm quen đến chữ cái và con số trong phạm vi từ 1 đến 10.
Theo ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ giáo tiểu học thì hiện nay nhiều bậc PH đôi khi đánh giá sai và cho rằng trẻ lớp 1 cho làm quen với hình vuông, hình tròn… là quá nặng nhưng ở đây cần phải hiểu một cách thấu đáo. Chúng ta không yêu cầu trẻ khái niệm thế nào là hình vuông, hình tròn… mà ở đây các em chỉ cần nhận biết đâu là hình vuông và như thế nào là hình tròn, điều này hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi của trẻ.