Cha mẹ nên để cho con biết đến cảm giác sợ hãi, thậm chí biết về cái chết bởi đó là một tâm lý cần có để phát triển và hình thành tính tự lập sau này.
Trên thực tế, có rất nhiều ông bố bà mẹ cố bảo bọc con và tránh cho con mọi phiền toái, rắc rối để trẻ một tuổi thơ vui vẻ, vô lo theo kiểu “cuộc đời toàn một màu hồng”. Như vậy, vô hình trung, họ đã tước đi một kỹ năng sống rất quan trọng của con trẻ: kỹ năng đối mặt với thử thách. Khi trưởng thành, bước vào đời với nhiều tình huống khó khăn phải đương đầu, con bạn có thể khiếp nhược và trở nên thất bại.
Các chuyên gia Australia khẳng định, sự sợ hãi, lo lắng một cách vừa đủ và cố gắng chế ngự những cảm xúc đó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển suốt thời thơ ấu của trẻ, chuẩn bị tốt cho chúng để có thể sống tự lập và đối phó với những biến động trong tương lai.
Trẻ cần được trải nghiệm cảm giác sợ hãi.
Ông Gunn, nhà tâm lý học người Australia, cũng là cha của hai con, cho rằng cái chết là một vấn đề cha mẹ tuyệt đối không nên lảng tránh mà nên đề cập với con theo cách thức phù hợp với lứa tuổi con trẻ. Việc để mặc trẻ tự băn khoăn không hiểu cái chết ra sao và tự có cách giải thích riêng sẽ càng khiến chúng bối rối. Điều này có thể trở thành thảm họa do chúng vẫn không phát triển về tri thức để tìm hiểu về thế giới như người lớn.
Các chuyên gia cũng khuyên phụ huynh cần cho trẻ tự học hỏi qua chính lỗi lầm của mình và từ những trải nghiệm về sự sợ hãi và nên để con nhỏ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi như thắt dây giày, xúc cơm… Nếu không, chúng sẽ mãi mãi chỉ sống dựa vào cha mẹ và khó có thể đối mặt với những mặt trái cuộc đời. Hãy để trẻ trải nghiệm, suy nghĩ và hành động nhằm khắc phục khó khăn. Cha mẹ đứng từ xa phân tích kịp thời để giúp con khi sự lo lắng hay sợ hãi quá lớn, trẻ không thể tự giải quyết được. Nhưng phần nhiều, trẻ sẽ trở nên can đảm và sẵn sàng đối mặt với sự lo lắng và nỗi sợ hãi lớn hơn. Như vậy, chúng ta mới có thể có những em bé can đảm, khi lớn lên sẽ tự tin làm chủ chính mình và làm chủ xã hội.