Với những bé học lớp 1, vấn đề khó nhất không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Do đó, cha mẹ không nên ép con phải luyện chữ, làm toán, phải đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 bởi vì điều này có thể tạo áp lực cho con, khiến bé chán học và sợ đi học.
Rất nhiều bé sau những ngày đầu vào lớp 1 có những biểu hiện bất thường về tâm sinh lý như hay khóc nhè, nôn ọe, đau bụng, ngủ không ngon và không sâu, kém ngoan, bất hợp tác và không muốn đến lớp… làm cho bố mẹ băn khoăn, lo lắng, không biết con mình bị làm sao?
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, ĐHSP TP. HCM, đó là “chứng sợ học đường”. Hội chứng này bắt nguồn từ sự thay đổi đột ngột môi trường học tập và vui chơi, cách thức học tập, giao tiếp…
Nói cách khác, bé chưa sẵn sàng về tâm lý trước khi bước vào lớp 1. Dưới đây là một số giải pháp chuẩn bị tâm thế cho bé vào lớp 1 trong năm học tới.
Giúp con sẵn sàng về tâm lý
Ở các nước phương Tây, khi trong gia đình có bé chuẩn bị vào lớp 1, cả gia đình sẽ luôn nhắc đến sự kiện đi học của bé với sự phấn khởi, thậm chí tỏ ra thán phục. Họ cho rằng bé rất tự hào khi nghĩ mình đã lớn!
Ngoài ra, ba mẹ còn cùng bé xem lại album ảnh với những hình ảnh của con từ hồi bé cho tới bây giờ, để con thấy mình đã lớn và đi học lớp 1 là một bước trưởng thành và còn là một sự kiện đáng để con tự hào… Sau đó, ba mẹ cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập thật đầy đủ, gọn gàng, đẹp mắt.
Hướng dẫn con bọc sách vở, cất sách vở ngăn nắp, cùng con lập thời khóa biểu với những hình vẽ của con, của bố mẹ. Cảm xúc tích cực và an tâm của bố mẹ là hậu thuẫn, là đồng minh của bé sẽ giúp bé bước vào chặng đường mới một cách tự tin và hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp.
Chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho con
Một cơ thể khỏe mạnh là tiền đề quan trọng cho việc tiếp thu kiến thức và hoạt động vui chơi của trẻ nên cha mẹ phải bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho bé trước khi đến trường.
Theo thạc sĩ Bích Hồng, việc chuẩn bị sức khỏe cho bé từ mầm non bước vào lớp 1 không đơn thuần là phát triển chiều cao, trọng lượng cơ thể mà còn phải tạo cho các bé sự bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp; có độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan… để bé thích nghi với môi trường học tập mới.
Để làm được điều này, cha mẹ có thể tranh thủ đưa con ra ngoài thiên nhiên, cho con được tự do chạy nhảy vào dịp hè trước khi con đi học, nếu đi dã ngoại được thì càng tốt, đồng thời tạo cho con thói quen ăn – ngủ – nghỉ đúng giờ giấc; giờ nào việc nấy, và tăng khả năng tập trung lúc ngồi học.
Tìm mọi cách để hỗ trợ sự tự tin cho con
Đó là cho bé “biết” nhiều hơn về nơi bé sẽ đến. Ba mẹ hãy dẫn con đến thăm quan ngôi trường con sẽ học, lớp học của con ở đâu, biết hết các phòng chức năng của trường, sân chơi, thư viện, phòng vệ sinh… Nếu có thể hãy sắp xếp cho con gặp và làm quen với các bạn cùng lớp để con có bạn trước khi tới trường.
Bên cạnh đó, hãy cùng con tưởng tượng các tình huống khó khăn có thể xảy ra và giải quyết trong tưởng tượng giống như một trò chơi.
“Thế nhỡ con không nhìn thấy chữ trên bảng thì con làm gì? Thế nhỡ cô giáo mắng con thì con sẽ nói ra sao? Thế nhỡ con muốn đi tè trong khi cô giáo đang giảng bài thì con phải làm thế nào?...”.
Được tham gia trò chơi kiểu như vậy, con trẻ sẽ vô cùng thích thú và cảm thấy an tâm, tự tin hơn khi một mình đến trường; đồng thời giúp chuẩn bị tâm lý cho bé đối mặt với những tình huống có thể gây áp lực hoặc làm bé lúng túng trong môi trường mới.
Rèn luyện thói quen ngồi yên và tập trung
Bé đang quen với môi trường mẫu giáo – chơi nhiều hơn học, được hoạt động tự do – nay phải ngồi học tập trung là điều không thể đòi hỏi ngay lập tức ở con trẻ.
Đối với công việc này, cha mẹ phải thật kiên trì và có “chiêu”: Trước và trong khoảng thời gian đầu năm học mới, ba mẹ hãy kín đáo luyện cho con cách ngồi học tập trung trong vòng 10 phút và tăng dần đến 20 phút.
Không nhất thiết là ép con ngồi học, mà con có thể thực hiện bất cứ hoạt động gì, bài tập gì, miễn là con có thể ngồi một chỗ, chăm chú trong một khoảng thời gian nhất định mà không chán. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng con chơi xếp hình, vẽ, đọc truyện, xem tranh… nhưng phải ngồi làm ở bàn học chứ không phải ngồi dưới sàn nhà hoặc trên giường.
Với những bé học lớp 1, vấn đề khó nhất không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Do đó, cha mẹ không nên ép con phải luyện chữ, làm toán, phải đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 bởi vì điều này có thể tạo áp lực cho con, khiến bé chán học và sợ đi học.
Cả gia đình hãy cùng nhau chơi đùa nhiều hơn khi ở nhà để bé có được cảm giác thoải mái, tự tin và phấn khởi, giúp bé có được một tâm thế sẵn sàng và vững vàng bước vào lớp 1 các bạn nhé!