Hỏi: Vợ tôi mới sinh con được một tuần, tôi thấy chân của cháu hơi bất thường. Tôi lo lắng không biết có phải chân cháu bị dị dạng không. Xin bác sĩ tư vấn giúp cách phát hiện sớm dị dạng bàn chân ở trẻ sơ sinh, tôi nên làm gì khi phát hiện những dị dạng này?
Trả lời: Ở trẻ em, có những dị dạng bàn chân thường gặp là bàn chân dẹt hoặc vòm quá, vẹo vào trong hoặc ra ngoài, bàn chân hình thuổng… Nguyên nhân là do trẻ bị bại não, do các tai dị sản khoa hoặc cũng có thể do di truyền hay tư thế còn nằm trong bào thai.
Để có thể phát hiện sớm dị dạng bàn chân ở trẻ, khi mới sinh con, người mẹ hay người thân nên kiểm tra bàn chân trẻ, nếu nghi ngờ có dấu hiệu bất thường thì dùng lông bàn chải mềm kích thích da chân xem trẻ cử động có bất thường không, trong trường hợp khó xác định thì nên đến chuyên khoa nhi khám ngay. Nếu sau khi sinh, dị dạng ngày càng rõ hơn thì có thể sử dụng phương pháp xoa tay sạch bằng phấn rôm rồi uốn nhẹ nhàng chân bị dị dạng của trẻ, đưa về hình thái bình thường. Phần lớn trẻ sơ sinh có dị dạng được uốn nhẹ nhàng, kiên trì, liên tục sẽ dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, với những dị dạng khó nắn chỉnh, cần đưa trẻ đi khám tri giác, cột sống, háng, gối, xương cổ chân, bao khớp, gân… để xem có bị xô lệch trật khớp không. Khi phát hiện những bất thường ở bàn chân trẻ, tốt nhất, bạn nên đưa con đến chuyên khoa nhi để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định chứ không nên tự chữa trị tại nhà như sử dụng rượu thuốc bóp chân cho trẻ hay nắn bóp mạnh do lo lắng, sốt ruột mà có thể dẫn tới những hậu quả ngoài mong muốn.