Giáo dục những đứa trẻ cá tính mạnh với bản tính thất thường khó đoán là điều chẳng khi nào dễ với bất cứ ông bố bà mẹ nào. Quan trọng là bạn cần yêu thương, chăm lo con đúng cách để con cái nhận ra: mình cần thay đổi.
Tính khí thất thường là một biểu hiện khá bình thường ở trẻ em, nhưng đôi khi sự thất thường ấy lại là nguyên nhân khiến bầu không khí gia đình thêm căng thẳng. Liệu đứa trẻ ấy có hư và cha mẹ chúng nên làm gì?
Tính cách thất thường được biểu hiện khác nhau ở tùy từng trẻ, nhưng thường có ở những trẻ cá tính mạnh, không quá nghịch ngợm hoặc hỗn láo, nhưng luôn muốn thể hiện cái tôi lớn hơn những gì được người lớn dạy bảo.
Cảm xúc của chúng thay đổi rất nhanh và hành vi thường không thể dự đoán được khiến cha mẹ không biết cư xử sao cho phù hợp với sự thay đổi chóng vánh ấy. Điều này càng làm trẻ dễ cáu gắt vì không được hành động đúng ý của mình, còn cha mẹ thì than trời: “con tôi khó tính quá, kiểu này nó không thích, kiểu khác nó cũng không ưng” hoặc “nó cứ thay đổi xoành xoạch làm tôi và chồng tôi chiều ý nó cũng chóng cả mặt”.
Tuy nhiên, điều gì cũng có nguyên do của nó, và con bạn bỗng dưng thay đổi tâm tính cũng không phải là ngoại lệ.
- Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ thường đề ra các nguyên tắc mà họ cho là chuẩn mực và áp con cái phải thực hiện theo. Tuy nhiên, không phải nguyên tắc nào của họ cũng phù hợp với tính cách và suy nghĩ của con cái. Và với những đứa trẻ cá tính mạnh, có suy nghĩ và hành vi luôn muốn vượt ra ngoài khuôn khổ thì chúng rất dễ phản ứng lại với các chuẩn mực ấy, khiến cha mẹ thấy con cái đang ngoan ngoãn nghe lời bỗng dưng khác hẳn và thắc mắc về sự thay đổi đột ngột đó.
Hơn nữa, những thay đổi khác biệt trong gia đình hoặc xã hội cũng khiến trẻ nhạy cảm và có hành vi giống như một sự “phản kháng”. Nhà mới có thêm em bé, đứa trẻ hẳn sẽ thấy mình không được chăm chút như trước nữa, cảm giác “bị ra rìa” làm trẻ tủi thân và dễ cáu gắt. Hoặc cùng là con, nhưng cách đối xử của cha mẹ thiếu công bằng giữa con cả và con hai (con út) cũng làm trẻ thêm nhạy cảm và dễ thay đổi thái độ, tâm lý.
Ngoài ra, có thể chuyện ở trường, ở lớp, chuyện bạn bè…có điều không suôn sẻ hoặc khúc mắc cũng khiến trẻ buồn vui lẫn lộn, dễ cáu bẳn với cha mẹ và những người xung quanh.
Là một người mẹ, người cha, bạn hãy:
Quan sát và tìm nguyên nhân
Nhiều trẻ tới bữa ăn thì vùng vằng gắt gỏng, có trẻ lại nhất quyết không chịu làm theo ý bố mẹ, hoặc cáu bẳn khi tiếp xúc với người khác ngoài bố mẹ…Bạn hãy quan sát tỉ mỉ và để ý từng cử chỉ nhỏ của trẻ. Tính khí thất thường cũng là một dấu hiệu của trạng thái trầm cảm và các bệnh liên quan tới tâm lý. Với sự nhạy cảm của một người mẹ và sự kĩ lưỡng trong quan sát từng biểu hiện của trẻ, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và giải pháp tốt nhất để con trở lại trạng thái tâm lý bình thường và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, nếu chỉ do những nguyên nhân sinh hoạt và bạn đã mềm mỏng mà trẻ vẫn có biểu hiện cũ thì hãy nghiêm khắc và giải thích cho con hiểu tại sao con cần phải thay đổi điều không tốt đó.
Cho con nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý
Đôi khi việc bắt con học quá mức cũng khiến trẻ quá áp lực và sinh ra cáu gắt thất thường. Bạn hãy xem lại thời khóa biểu và thời gian biểu của trẻ, sắp xếp sao cho khoa học nhất. Dù việc học trên lớp và học kĩ năng ngoại khóa là rất cần thiết, nhưng con bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ – nó vẫn cần vui chơi và hoạt động thoải mái, do vậy bạn không nên tạo áp lực học quá lớn cho con cái.
Hơn nữa, bạn cũng cần cân bằng lại chế độ dinh dưỡng với các món ăn giàu protein, chất xơ và vitamin, thêm vào thực đơn hàng ngày các món con bạn yêu thích, chắc chắn không đứa trẻ nào lại nỡ chối từ và cảm giác buồn bực trước đó của trẻ sẽ tự tan biến.
Gần gũi với con
Không cha mẹ nào không yêu thương con cái của mình, nhưng không phải ai cũng có thể trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng và nằm bò ra sàn chơi đùa hoặc trò chuyện với con về những điều diễn ra trong ngày của trẻ. Tuy nhiên, lúc này bạn cần thay đổi thói quen ấy.
Bạn hãy nói chuyện với con nhiều hơn, bất cứ khi nào con cần nói chuyện hoặc đang ở cùng phòng với bạn. Nhưng nếu con không muốn trả lời hoặc nói về vấn đề đó, bạn hãy thử nói về mối quan tâm của mình và gợi ý để con cởi mở, điều này chứng tỏ bạn luôn sẵn lòng với bất cứ chia sẻ nào của con và con cái sẽ cảm nhận thấy mình có vị trí quan trọng với bố mẹ.
Hơn nữa, bạn không nên luôn hà khắc với con, khiến trẻ luôn có tâm lý sợ hãi, không thoải mái và dễ cáu gắt. Cha mẹ hãy như những người bạn lớn của con, định hướng những điều đúng đắn, cho con được nói, được suy nghĩ để trẻ có cảm giác được là mình khi thích nghi với một điều mới.
Khuyến khích trẻ giao lưu với bạn bè
Cha mẹ luôn chăm lo cho con cái – đó là điều dễ hiểu, nhưng có những điều trẻ cảm nhận “bố mẹ làm sao hiểu được, nói với bạn còn dễ được đồng cảm hơn” – bạn hãy coi đó là lẽ dĩ nhiên và khuyến khích con giao lưu nhiều hơn với bạn bè, những người bạn tốt sẽ giúp con học thêm nhiều điều bằng sự thích thú và nể phục, hơn là bạn kè kè ngày đêm và giáo điều con phải làm điều này điều kia.
Tuy nhiên, nếu con dần theo bạn bè những điều lệch chuẩn, bạn cần phân tích cho con hiểu và không nên chỉ trích quá lời. Một đứa trẻ cá tính mạnh càng dễ nổi cáu khi bị bố mẹ chỉ trích quá nhiều và thiếu rành rọt, nhất là trước mặt bạn bè chúng.
Giáo dục những đứa trẻ cá tính mạnh với bản tính thất thường khó đoán là điều chẳng khi nào dễ với bất cứ ông bố bà mẹ nào. Quan trọng là bạn cần yêu thương, chăm lo con đúng cách để con cái nhận ra: mình cần thay đổi.