Tôi nhận ra không hề có một công thức chung nào cho việc nuôi dạy con cái. Có lẽ phải linh hoạt hơn, kết hợp nhiều phương pháp, tùy vào tính tình của cả mẹ và con, không áp đặt, “suy bụng ta…”, nhất là không thể yêu con theo kiểu bù đắp cho những đau buồn trong quá khứ…
Hôm nọ đến nhà cô bạn thân chơi, nhìn cách cô đối xử với hai đứa con mà tôi cứ ngỡ mình đang ở trong… quân đội. Cô bạn giải thích, chồng cô thường xuyên vắng nhà vì công việc, một mình cô không thể lo xuể nếu chúng cứ nhặng xị cả lên. Việc cô áp dụng “kỷ luật thép” với các con từ nhỏ, vừa tiện cho cô vừa tốt cho chúng.
Hai cậu bé tuổi mới lên ba lên bốn nhưng nghe lời mẹ răm rắp, chẳng những có thể tự phục vụ bản thân mà còn giúp mẹ những việc nhỏ như mang quần áo khô vào nhà, dọn dẹp góc đồ chơi, tự bảo nhau để yên cho mẹ làm việc. Cô bạn thú nhận yêu con lắm nhưng ít khi gần gũi chuyện trò, chỉ ra lệnh khi cần thiết, thậm chí không bao giờ hôn con khi chúng còn thức. Chúng cũng tỏ ra hiểu chuyện, không hề mè nheo, mít ướt theo kiểu con trẻ.
Tôi nhớ tới tuổi thơ không có cha của mình. Mẹ tôi vất vả lo việc mưu sinh, chỉ trở về nhà khi đã quá mệt mỏi, dễ cáu bẳn nên suốt ngày tôi quanh quẩn với mấy món đồ chơi cũ mèm, thèm biết mấy những lời yêu thương, vòng tay và cái hôn của mẹ. Mắng nhiếc, đòn roi là cách thường xuyên mẹ dùng để giao tiếp với tôi, khiến hình ảnh mẹ trong tôi thật giống… hung thần. Vừa yêu vừa sợ, vừa khát khao vừa xa lánh mẹ khiến tôi mới mười tuổi đầu, đã dặn lòng không bao giờ để con mình sau này thiếu thốn tình cảm và có ấn tượng không đẹp về người mẹ như thế…
Khi tôi có duy nhất một đứa con trai, con lại ốm yếu từ khi lọt lòng, bao nhiêu tình yêu thương dành cho con dường như ngập tràn trong từng lời nói, cử chỉ của tôi. Cả nhà tôi duy trì thói quen chào nhau buổi sáng và chúc nhau ngủ ngon vào buổi tối. Khi cha mẹ đi làm, con đi học đều tạm biệt nhau bằng một nụ hôn trước cổng trường hay ngoài đường phố. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi lại cưng nựng con bằng những lời âu yếm và sung sướng nghe con đáp lại.
Chúng tôi chỉ muốn dạy con biết yêu thương và bày tỏ tình cảm đó với cha mẹ. Nhưng từ những biểu hiện đôi khi của con và qua câu chuyện của nhà cô bạn, chúng tôi lờ mờ nhận ra “tác dụng phụ” của việc đó là con trai trở nên ủy mị, ỷ lại. Mới lên năm nhưng cu cậu đã hiểu vị trí số một của mình. Nhõng nhẽo, mau nước mắt, luôn thích được ba mẹ làm thay, nếu không vừa ý thì tự “hành xác” để ba mẹ đau xót, đó là sự khác biệt rõ rệt trong tính cách của con tôi so với hai đứa con cô bạn. Mới đây nhất, bị mẹ từ chối mua một món đồ chơi, cu cậu vùng vằng đi vào lớp mà không thèm hôn tạm biệt mẹ, như một sự “trừng phạt” mẹ khiến tôi giật mình nghĩ lại cách dạy con của mình.
Tôi nhận ra không hề có một công thức chung nào cho việc nuôi dạy con cái. Có lẽ phải linh hoạt hơn, kết hợp nhiều phương pháp, tùy vào tính tình của cả mẹ và con, không áp đặt, “suy bụng ta…”, nhất là không thể yêu con theo kiểu bù đắp cho những đau buồn trong quá khứ…