Những căn bệnh về cột sống thường bắt đầu một cách “thầm lặng” và chỉ có thể phát hiện sau một thời gian dài diễn biến của bệnh. Trẻ em từ lứa tuổi mầm non và các bậc học phổ thông là đối tượng dễ mắc những căn bệnh này.
Trẻ ngày ngày phải mang quá nhiều đồ dùng, sách vở từ nhà đến trường, từ trường về nhà, leo lên cầu thang trường học, đổi giờ học, lớp học… và cột sống yếu ớt, chưa phát triển hoàn thiện của trẻ không đủ sức để chịu đựng.
Do di truyền, mỗi người được di truyền cột sống khác nhau, người có cột sống yếu ớt, người lại có cột sống mạnh mẽ.
Do biến đổi sinh lý, mỗi lứa tuổi đều có những sự biến đổi sinh lý khác nhau, đôi khi gây ra những hiện tượng bất thường và cột sống cũng không thoát khỏi sự phát triển ấy.
Do trẻ ngồi học, hay tham gia các hoạt động khác nhau nhưng không đúng tư thế, dần dần cột sống cong theo tư thế không đúng đó.
Có thể là thói quen chuyên đứng trên một chân (xương chậu ở tư thế so le và cột sống sẽ gãy vẹo về một phía), đi không đúng (thõng vai, gù lưng…)
Bàn học không phù hợp: Nếu như trẻ ngồi học lâu ở bàn cao quá thì nó phải nâng vai mới đặt được tay lên bàn. Ngược lại, nếu bàn lại thấp thì trẻ buộc phải co gập trên bàn, vai đầu gập về phía trước và dẫn tới gù lưng.
Nếu đứa trẻ có tư thế thân không đúng thì lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù và bụng phình ra phía trước. Nếu không kịp thời điều chỉnh thì cột sống bị cong vẹo, xuất hiện đường uốn nghiêng làm lưng gù rõ rệt. Những, điều này gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe, bởi vì tim, phổi khó hoạt động, thở không sâu làm giảm tính cơ động của lồng ngực, giảm dung tích sống của phổi, trẻ sẽ dần dần yếu ớt, sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Tư thế chung của cơ thể cũng phụ thuộc nhiều vào tư thế của cột sống và xương chậu. Điều đó có liên quan chủ yếu đến sự căng cơ và các dây chằng bao quanh cột sống và xương chậu. Cột sống là trục xương chủ yếu giữ đầu và thân mình. Xương chậu được coi là nền tảng của cột sống. Nếu như những cơ của thân được phát triển đều thì sức kéo của các cơ co cân bằng với sức kéo của các cơ duỗi, lúc đó đầu và thân người được giữ thẳng. Tư thế bình thường của bả vai, tay chân phụ thuộc vào mức độ phát triển và trương lực (sự căng cơ) của các nhóm cơ của chúng – có ảnh hưởng lớn đến tư thế chung.
Cha mẹ có vai trò quan trọng giải thích sự cần thiết phải ngồi, đứng như thế nào để bảo vệ cột sống.
Thường xuyên theo dõi tư thế của trẻ khi chúng ngồi, đi, nằm ngủ và cả trong những hoạt động khác như vui chơi… để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh tư thế không phù hợp của trẻ.
Chú ý đến chiều cao bàn học và ghế ngồi: Bàn học phải cao tương xứng với chiều cao của ghế ngồi, khoảng cách giữa chiều cao bàn và mặt ghế ngồi không thấp hơn 22 cm và không cao hơn 27 cm. Tránh bàn học quá thấp, bàn học nên hơi cao, cùi trỏ của trẻ hơi cao một chút không sao, nếu cùi trỏ thấp bắt buộc trẻ ngồi cong lưng mới có thể viết hay đọc sách được nên có hại. Nên để trẻ ngồi trên ghế không có chỗ dựa hoặc chỗ dựa chỉ nên cao tới nửa lưng mà thôi, như thế bắt buộc khi ngồi trẻ phải giữ lưng thẳng lên.
Khi thấy trẻ có xu hướng uốn cong lưng nên: Hướng dẫn trẻ thở bằng lồng ngực thay vì thở bằng bụng; khuyến khích trẻ co bụng lại khi ngồi hoặc khi đứng, bởi vì như thế chẳng những bắt buộc cột sống phải thẳng lên mà còn có tác dụng tăng sức dẻo dai và sức mạnh cho cột sống.
Luyện tập thể dục. Các thao tác thể dục thể thao nói chung không gây hại cho cột sống nếu sinh hoạt phù hợp với sức khỏe của trẻ. Trẻ từ 6 tuổi trở đi có thể chuyển sang các bài tập thể dục chuyên môn: bơi, chạy, múa… có tác dụng hình thành tư thế đúng cho cơ thể. Chú ý môn nhảy cao, nhảy xa có tác động mạnh đến cột sống: các khớp cột sống dễ bị chấn động, có thể gây nhiều tổn thương cho cột sống nên không phù hợp với trẻ đang lớn.