Dường như cô giáo (một tấm gương rất sáng) lại đi dạy cho các em học sinh phải biết giả dối để được đánh giá tốt. Lâu dần sự giả dối sẽ trở thành lẽ đương nhiên trong ứng xử, trong cuộc sống. Mà điều này thật tai hại biết bao.
Ngày khai trường, cô Hằng dạy nhạc được nhà trường cử hát một bài. Cô mặc áo dài thướt tha, hát rất say sưa một bài hát về sự trong sáng cao đẹp của nghề. Chỉ tiếc là người cho đĩa vào thì cho 1 bài, còn cô thì hát một bài khác thế là cả trường cứ cười bò cả ra.
- Ngượng quá, cô giáo phải chạy vào phía trong sân khấu. Khi tan trường, cháu nhà tôi hỏi: “Bố ơi, hát nhép là hát gian dối hả bố?”. Chẳng phải bây giờ mà hồi tôi còn học phổ thông (có nghĩa cách đây phải hơn ba chục năm) một số cô cũng đã vì bệnh thành tích mà tạo cho học trò sự gian dối.
Khi có đoàn kiểm tra, cô chọn ra một số bạn sáng sủa nhất, học tốt nhất, cho câu hỏi về nhà chuẩn bị sẵn. Hôm sau, cô hỏi ai trả lời được câu hỏi X? thế là mấy chục cánh tay giơ lên, nhưng bao giờ (giả vờ như vô tình) cô chỉ vào bạn Y. ngồi cuối lớp, bạn Y sẽ đứng lên trả lời mạch lạc, trôi chảy (vì đã được chuẩn bị trước ở nhà).
Thế là tiết của cô được đánh giá là tốt. Con gái tôi kể: “Bố ạ, lớp con bây giờ cũng thế đấy. Có lần, có đoàn kiểm tra, cô giáo liền in câu hỏi ra mấy tờ giấy, mỗi tờ có 1 màu xanh, đỏ tím hay vàng… rồi giao việc cho từng học sinh.
Em A phải bốc câu có màu trắng và về nhà học cho thuộc, em B câu màu đỏ và cũng phải về nhà học cho thuộc… Cô yêu cầu cả lớp đều phải đồng loạt giơ tay phát biểu để giờ học thật sôi động nhưng chỉ định ai lên trả lời, bốc câu hỏi nào đã có sự chuẩn bị trước.
Cháu nhà tôi hỏi: “Bố ơi, tại sao cô phải làm thế?”, tôi chỉ có thể trả lời có lẽ cô sợ bị đánh giá là dạy chưa tốt, thành tích của lớp chưa cao… Nhưng điều tôi suy nghĩ là vì sao lại phải làm như vậy. Cái được thì chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cái mất thì rất lớn.
Dường như cô giáo (một tấm gương rất sáng) lại đi dạy cho các em học sinh phải biết giả dối để được đánh giá tốt. Lâu dần sự giả dối sẽ trở thành lẽ đương nhiên trong ứng xử, trong cuộc sống. Mà điều này thật tai hại biết bao.
Tôi nhắc con rằng, con có thể học rất nhiều điều từ nhà trường, nhưng những sự giả dối để phục vụ cho thành tích giả dối thì con đừng học.