Hiện chưa có cuộc nghiên cứu nào về nguyên nhân của sự loạn luân giữa anh em cùng huyết thống nhưng rõ ràng việc cho các bé khám phá vùng kín của nhau cũng ít nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trường Giang khuyên các bà mẹ hãy cẩn trọng hơn trong vấn đề tế nhị này.
Có con khiến bố mẹ trở nên bận rộn. Với chị Thanh, mức độ bận rộn được nhân gấp nhiều lần sau khi em bé thứ hai ra đời. Ban đầu, cả nhà vô cùng sung sướng vì vợ chồng chị “có nếp, có tẻ”. Cu Tí là anh cả đã 4 tuổi tỏ ra rất yêu quý và quấn quýt với em gái Sóc. Nhưng việc chăm sóc con cái khiến chị lúc nào cũng ở trong tình trạng vắt chân lên cổ. Mọi thứ cứ rối tung rối mù cả lên vì chăm sóc con gái khác nhiều so với chăm sóc con trai. Vốn là người chậm chạp nên ba mẹ con như đánh vật với nhau.
Trong khi mẹ chậm chạp, cu Tí lại khá nhanh nhẹn. Chị Thanh mừng như bắt được của trước sự phát hiện này. Thế là chị bắt đầu công cuộc sai vặt cậu nhóc. Lúc thì “Tí lấy cho mẹ cái khăn” khi thì “đổ cho mẹ ca nước”. Tí quen việc rất nhanh. Cu cậu thường hoàn thành xuất sắc công việc mẹ giao. Từ đó, chị Thanh dần dần mạnh dạn giao cho con những công việc phức tạp hơn. Bây giờ cậu nhóc có thể gấp quần áo, xếp đồ, lắc sữa,…
Từ khi cu Tí sai vặt được, chị Thanh thấy dễ thở hơn. Nhiều khi, có cảm giác chị còn dựa dẫm vào thằng bé mới lên 4. Chị vô tâm tới mức, có lần, trong lúc chị đang giặt, bé Sóc tè dầm. Vì bé mặc váy nên chị sai luôn cu Tí lấy khăn xô… lau “bím” cho Sóc. Cậu bé ngoan ngoãn làm theo. Chắc hẳn trong đầu cu Tí coi việc lau “bím” cho em chẳng khác gì việc lắc sữa.
Anh Quân, chồng chị Thanh phát hoảng khi thấy vợ sai con trai làm việc đó nhưng chị Thanh phẩy tay: “Nó bé tí, biết gì đâu mà anh lo hão”. Cằn nhằn vợ thế thôi chứ anh Quân không nói gay gắt vì anh bận tối mắt tối mũi, chẳng có thời gian đỡ đần vợ con.
Là người được ăn học tử tế mà chị Thanh xem nhẹ vấn đề nhận thức giới tính của con như vậy thì không có gì ngạc nhiên khi chị Nhiệm, một phụ nữ nhà quê chân chất lại “tạo điều kiện” cho các con khám phá giới tính của nhau.
Là thợ phụ, vợ chồng chị Nhiệm đi làm từ sáng tới chập tối mới về. Công việc quán xuyến nhà cửa và chăm sóc cậu con trai 5 tuổi, anh chị đẩy sang cho Chi, em bé mới lên 9. Cuộc sống vất vả nên Chi rất đảm đang. Cô bé quét nhà, nấu cơm và làm mọi việc vặt trong gia đình. Sáng sáng, sau khi bố mẹ đi làm, Chi lại cho em ăn rồi dắt em đi nhà trẻ. Chiều cô bé đón em về tắm rửa và cho em ăn cơm. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu giới tính của hai em bé là như nhau. Đằng này Chi là con gái, em Chi lại là một cậu nhóc hiếu động.
Không thể xem nhẹ
Thời gian chị Thanh bắt cu Tí lau “bím” cho em Sóc diễn ra được khoảng một năm thì nhà chị Thanh có khách. Đó là cô Thu, bác sĩ nhi. Khi thấy động tác cầm khăn sô gấp vuông lại và chấm từ từ, nhẹ nhàng trên “bím” bé Sóc của cu Tí, cô Thu la oai oái. Cô mắng chị Thanh thiếu hiểu biết. Chị Thanh cự nự rằng một đứa trẻ có tí tuổi đầu làm sao biết được bộ phận nào nhạy cảm, bộ phận nào không.
Dù cự nự nhưng sau khi bị quá nhiều người phản đối, chị Thanh cũng bắt đầu quan sát hành động của cu Tí. Chị giật mình khi thấy ánh mắt khác lạ của cậu nhóc mới 4 tuổi đầu nhìn ngó vùng kín em gái. Toát mồ hôi, chị cấm con trai từ giờ không được làm như vậy nữa. Cậu bé chẳng nói gì nhưng hôm sau, khi bé Sóc lại tè dầm, cu Tí lại ton ton tới đòi lau, chị Thanh giằng lấy chiếc khăn sô và đẩy cu Tí ra. Cu Tí khóc ré lên rồi nói: “Con muốn lau bím cho Sóc cơ”.
Đến lúc này, chị Thanh mới thực sự sợ hãi. Sự vô tình và thiếu hiểu biết của chị suýt nữa ảnh hưởng không tốt tơi con cái. Để sửa sai, chị bàn với chồng đưa cu Tí về bà ngoại. Sau một tháng, cu Tí trở về và quên hẳn việc “lau bím” cho em. Cu cậu cũng chẳng buồn ngó trân trân vào vùng kín của Sóc nữa. Chị Thanh thở phào nhẹ nhõm. Chị mang kinh nghiệm này chia sẻ với bạn bè và vô cùng bất ngờ khi biết không ít bà mẹ cũng mắc phải sai lầm tưởng đơn giản nhưng vô cùng nghiêm trọng này.
Bé Chi lớn hơn cu Tí nên hậu quả cũng nghiêm trọng hơn. Hàng ngày phải tắm rửa cho em nên Chi không hề xa lạ với “quả ớt” bé xíu. Người lớn thì cho rằng trẻ con không biết gì. Nhưng trẻ con cũng biết quan sát. Ví dụ Chi nhận thức được em Chi cũng có tay chân như bao người khác nhưng sao bao người khác không có “quả ớt” như cậu bé. Hoặc nếu có, sao lại phải giấu sau lớp quần áo? Nói chung diễn biến tâm lý của Chi khi thường xuyên lau rửa “quả ớt” cho em thì không ai biết nhưng biểu hiện của cô bé thì không khỏi khiến người khác giật mình.
Ở nông thôn, nhiều gia đình chưa có phòng tắm khép kín. Phòng tắm thường được xây dựng ngoài trời và không có nóc. Người ta chỉ xây tường ở 3 góc. Góc còn lại làm cửa. Một đêm mùa hè sáng trăng, chồng chị Nhiệm mang quần áo đi tắm. Tới khi gần xong, anh mới phát hiện ra cô con gái nhỏ đang nhìn trân trân về phía mình. Anh mặc vội quần áo rồi đánh cho con bé một trận. Tinh tế hơn một chút, chị Nhiệm tỉ tê hỏi con gái thì bé Chi khóc nức nở: “Tại sao cùng là con trai mà của bố lại khác của em”.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết rất nhiều bà mẹ mắc sai lầm trong việc đánh giá về nhận thức giới tính của con. Chính vì vậy, họ thoải mái “phô trương” vùng kín em bé bé hơn mà không để ý rằng đứa lớn hơn sẽ quan sát và ghi nhớ trong đầu. Hiện chưa có cuộc nghiên cứu nào về nguyên nhân của sự loạn luân giữa anh em cùng huyết thống nhưng rõ ràng việc cho các bé khám phá vùng kín của nhau cũng ít nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trường Giang khuyên các bà mẹ hãy cẩn trọng hơn trong vấn đề tế nhị này.