Sau khi có hàng loạt các sản phụ bị tử vong khi đi sinh nở diễn ra dồn dập trong 2 tháng qua, tỷ lệ thai phụ đến các phòng khám tại các bệnh viện phụ sản và phòng khám chuyên sản khoa ở TPHCM đang gia tăng đáng kể.
Khám ở tuyến trên cho chắc ăn
Trong một tuần qua, số phụ nữ mang thai đến khám lần đầu tại bệnh viện Từ Dũ tăng lên đột biến, với hơn 500 ca/ngày. Hiện tại trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.000 trường hợp đến khám sản phụ khoa, 70% trong số này đến từ các tỉnh.
Chị Hồ Thị Lý, mang thai 17 tuần tuổi ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, trước đây chị thường khám ở phòng khám sản tư ở Bình Dương nhưng từ nay quyết định về khám ở BV Hùng Vương TPHCM.
“Em muốn khám thai định kỳ ở đây vì họ có chuyên môn sâu, với lại đến thời kỳ sinh nở nhờ bác sĩ theo dõi sinh luôn cho chắc ăn”- chị Lý cho biết.
Sau vụ sản phụ tử vong ở BV đa khoa Hóc Môn, TPHCM vào tháng 3 vừa qua, nhiều sản phụ lâu nay khám thai định kỳ lần đầu tại đây cũng “tháo chạy” lên Từ Dũ, Hùng Vương và khoa sản ĐH Y Dược TPHCM để “yên tâm”.
Chị Hà, mang thai 32 tuần tuổi, ở huyện Hóc Môn lo lắng: “Ở tuyến dưới lỡ có chuyện gì xảy ra không xử lý kịp nên em quyết sẽ vượt tuyến lên trên sinh con”. Mới đây chị Hà đăng ký khám và dự kiến sẽ sinh tại khoa Phụ sản BV ĐH Y Dược TPHCM.
Tâm lý lo lắng khiến cho các sản phụ ở các tỉnh đổ về TPHCM ngày càng nhiều. Hầu hết họ về thăm khám thai kỳ và tìm cơ sở để “vượt cạn” tại đây.
Tại phòng khám của bác sĩ Hoàng L. ở quận 1 mỗi ngày từ 5-9 giờ tối trung bình tiếp nhận hơn 300 sản phụ đến siêu âm, khám thai. Nhiều sản phụ cho biết, mặc dù thai nhi phát triển ổn nhưng vẫn đi khám thường xuyên.
Tai biến rình rập
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận đỡ sanh cho hơn 100 thai phụ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng mẹ tròn con vuông, bởi tai biến trong sản khoa thường xảy ra một cách chóng vánh mà bác sĩ rất khó tiên lượng.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải- Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Phụ sản Từ Dũ cho biết, tại Việt Nam cứ 100 nghìn ca sinh có 75 ca tai biến tử vong và thường là những tai biến xảy ra ngoài ý muốn, nhanh và khó can thiệp do không tiên lượng được.
PGS- TS Vũ Thị Nhung- Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM, cho biết ngoài tai biến do nhau cài răng lược, băng huyết, tiền sản giật… thì thuyên tắc ối được xem nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong do tai biến này là 61%-80%, tỷ lệ sinh sống sót là 79%. Tỷ lệ tử vong cao bởi theo bác sĩ Nhung không thể dự phòng và xảy ra bất kể lúc nào.
Mặc dù thuyên tắc ối là bệnh lý rất hiếm gặp nhưng tai biến này lại xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước và phòng ngừa được.
Theo bác sĩ Nhung, tai biến sản khoa là một thách thức đối với y khoa, không ai khẳng định có thể can thiệp 100%, bởi ngay cả những thai phụ khỏe mạnh nhưng chỉ trong tích tắc chuyển dạ cũng xảy ra tai biến. Đó là chưa kể với những sản phụ bản thân mang bệnh lý như suy thận, bệnh tim… thì nguy cơ tai biến tăng gấp nhiều lần.
Kiểm soát cả mẹ lẫn con
Theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh – BV phụ sản Hùng Vương, việc khám thai định kỳ là cách chăm sóc thai tích cực nhất và đem lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con.
Theo bác sĩ Hạnh khám thai cũng là cách giúp các bác sĩ tiên lượng các vấn đề của mẹ và thai trong thai kỳ hay xa hơn, tiên lượng cuộc sanh sẽ xảy ra như thế nào, có gì bất lợi cần can thiệp y tế sớm hơn không.
Thai phụ nên thực hiện tối thiểu 3 lần siêu âm vào các thời gian từ 10-12 tuần, 20-24 tuần và 30-32 tuần của thai kỳ. Ngoài việc siêu âm ở thời điểm này, việc đo khoảng mờ sau gáy có giá trị tiên lượng cho các bệnh lý tim mạch hay bất thường về nhiễm sắc thể về sau và các bệnh lý khác của thai nhi… Lúc gần sanh cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.
Ngoài ra, thai phụ cũng nên thực hiện các xét nghiệm tầm soát trước sinh do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.