Người xưa đã có câu: “người chửa cửa mả”, tuy ngắn gọn nhưng lại đã khái quát được toàn bộ những nguy cơ mà người phụ nữ có thể gặp phải khi mang thai và sinh nở. Một trong những nguy cơ rất đáng ngại đó thì có các bệnh lý phát sinh trong thời kỳ mang thai và kể cả giai đoạn hậu sản (thời kỳ chu sản) mà điển hình là bệnh cơ tim chu sản (peripartum cardiomyopathy).
Cơ tim chu sản – căn bệnh nguy hiểm ở nữ giới
Thế nào là bệnh cơ tim chu sản?
Bệnh cơ tim chu sản là một loại bệnh cơ tim dãn không rõ nguyên nhân xuất hiện trong thời kỳ thai nghén hoặc trong giai đoạn 5 tháng sau khi sinh.
Tần xuất mắc bệnh vào khoảng 1 trường hợp/3.000 – 15.000 thai phụ. Tỷ lệ mắc cao hơn ở phụ nữ châu Phi và cao nhất ở Haiti với tỷ lệ lên tới 1/300 mà chưa lý giải được nguyên nhân.
Tổn thương mô bệnh học của bệnh cơ tim chu sản là hình ảnh viêm cơ tim với sự xâm nhập dày đặc của bạch cầu đa nhân, phù nề, hoại tử và xơ hóa trên tiêu bản sinh thiết cơ tim.
Tỷ lệ tử vong do bệnh cơ tim chu sản gây ra cho thai phụ có thể tới 50%.
Nguyên nhân gây bệnh
Mặc dù nguyên nhân thực sự của bệnh cơ tim chu sản chưa được rõ, người ta cũng liệt kê một số tác nhân có thể là cơ chế phát sinh ra bệnh. Nghiên cứu trên nhiều trường hợp mắc bệnh cho thấy có sự liên quan của bệnh với các bệnh do nhiễm các loại virut như Parovirus B19, Human herpes virut 6, Epstein-Barr virut, Cytomegalovirut…. Giả thiết cho rằng sau nhiễm các virut nói trên, cơ thể sinh ra kháng thể làm tổn thương cơ tim dẫn đến suy tim. Một giả thiết khác cũng cho rằng nguyên nhân gây bệnh cơ tim chu sản là do hiện tượng tế bào thai nhi đã gây một hiện tượng đáp ứng miễn dịch chống lại chính cơ thể người mẹ mà tổn thương cơ tim là chủ yếu.