Nhiều người lớn có thể không có nhiều thời gian dành cho con, nhưng nếu thật sự quan tâm, bố mẹ vẫn có thể tạo cho trẻ một kỳ nghỉ ‘học mà chơi, chơi mà học’ đúng nghĩa. Vấn đề là bố mẹ cần xác định mong muốn của mình với con, tính cách, đặc điểm của trẻ, xem con thiếu gì, cần gì. Khi đã xác định được điều này, thì dù là gửi con về quê, cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa hay làm gì, bố mẹ vẫn chủ động được mọi việc, và không cảm thấy quá vất vả, khó khăn trong kỳ nghỉ của con
Định dắt xe đi làm, anh Quang bị vợ gọi giật lại: “Hôm nay tới lượt anh trông con đấy”. Con nghỉ hè từ cuối tuần trước, tuần này, vợ chồng anh phải thay nhau nghỉ làm giữ con. Thời gian dù chỉ 10 ngày nhưng cũng đủ khiến cặp vợ chồng toát mồ hôi.
“Ông bà ngoại cháu thì vẫn phải đi làm, ông bà nội ở xa, lại bận trông con của vợ chồng chú em nên chẳng thể giúp gì”, anh Quang (Từ Liêm, Hà Nội) giải thích.
Trước đó cả tháng, nghe nói năm nay trường mầm non con đang học không tổ chức trông hè, vợ anh đã phải đi tìm một trường khác gần nhà, đăng ký cho con học bán trú tại đó. Tuy nhiên, vì lịch học hè là gần giữa tháng 6 trong khi cuối tháng 5 các bé đã được nghỉ, nên vợ chồng anh Quang vẫn phải phân công nhau nghỉ để ở nhà với con.
“Ban đầu định hai vợ chồng cùng xin nghỉ phép thời gian này rồi cả nhà đi du lịch một chuyến, nhưng năm nay đang kẹt tiền nên thôi, mỗi đứa đành xin nghỉ 5 ngày, dù công việc cũng đang ngập đầu”, anh Quang kể.
Anh cho biết, 3 năm rồi, kể từ khi cậu con trai vào mầm non, hè nào vợ chồng anh cũng phải thực hiện phương án này. “Năm nay con lớn hơn, định cho cháu được ‘xả hơi’ về quê chơi với ông bà nhưng lại thôi vì không yên tâm. Quê mình ở Ninh Bình đồng chiêm trũng, ao hồ khắp nơi, các cụ thì tuổi cao, lại bận trông mấy đứa cháu, sợ không để ý được”, anh nói.
Có cô con gái tháng 8 này vào lớp 1, chẳng thể để con học hè tại trường mầm non như các năm trước nữa, năm nay, chị Dung (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) đành gửi con về với bà nội và bà ngoại. “Nhà bà ngoại thì gần, nhưng hè này bà phải trông tới 3 đứa cháu – cũng nghỉ hè như con mình, nên chỉ dám gửi một tuần, sau đó con về quê Nam Định với ông bà nội khoảng một tháng rồi lên đây chuẩn bị tâm thế vào lớp 1”, chị Dung kể.
Phương án cho con về quê trong thời gian nghỉ hè như của chị Dung là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ không ở cùng ông bà hay có người giúp việc.
“Thật ra cách này cũng hay, vừa cho con thay đổi không khí, hòa mình với cuộc sống thiên nhiên ở nông thôn sau thời gian căng thẳng ôn luyện vào tiểu học, vừa để ông bà vui mà vợ chồng mình cũng có chút thời gian riêng tư”, chị Dung bày tỏ.
Tuy nhiên, với nhiều gia đình, thời gian con nghỉ hè lại khiến bố mẹ lo lắng và vất vả nhất.
Có hai con trai, một lớp 5, một lớp 2, chị Thạch (phố Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán: “Hai vợ chồng mình sợ hè lắm”. Chị cho biết, ông bà nội ngoại đều ở xa nên không thể đưa các con về quê. Hai cậu nhóc đều nghịch nên anh chị không dám để các bé ở nhà với nhau. Bởi thế, ngay từ đầu mùa, vợ chồng chị đã phải lên kế hoạch học hè của con sao cho tiện việc đưa đón của bố mẹ.
“Cu lớn thì cho học cờ vua, bóng đá. Cu bé thì học vẽ. Mỗi tuần hai đứa có hai buổi học tiếng Anh, hai buổi học bơi… Chắc năm nay lại như năm ngoái thôi, bố mẹ ngày nào cũng phải tranh thủ vừa đi làm vừa căn giờ ‘chạy xô’ làm xe ôm đưa đón con, sau mùa hè cả nhà ai nấy đều đen trũi. Các con vào năm học bố mẹ mới thở phào”, chị Thạch kể.
Còn vợ chồng anh Trung (Lò Đúc, Hà Nội) sau nhiều lần bàn đi tính lại xem nên bố trí thời gian nghỉ hè cho cô con gái vừa học xong lớp 3 thế nào, khi cả hai vợ chồng đều bận việc và đi làm xa nhà, đã quyết định để bé tự quản tại gia.
“Chúng tôi để con tự lên thời gian biểu mỗi ngày cho các việc như học toán, tiếng Anh, chơi đàn, đọc truyện… Cũng nhắc nhở con không chơi game hay xem hoạt hình nhưng chẳng rõ cháu có tuân thủ không. Buổi sáng thì mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn, trưa con ăn một mình. Được cái con gái mình khá ngoan nên cũng yên tâm phần nào, nhưng nghĩ cảnh ngày nào cháu cũng loay hoay trong bốn bức tường thấy tội tội”, anh Trung kể.
Vợ chồng anh đang nghĩ tới việc đón cô cháu gái hơn con vài tuổi ở quê lên để vừa kèm con học thêm, vừa cho bé đỡ buồn.
Theo cô giáo Diệu Lý, hiệu trưởng trường quốc tế Dream House (Tây Hồ, Hà Nội), tùy điều kiện và hoàn cảnh từng gia đình mà có thể lên kế hoạch hè cho con khác nhau, nhưng đều cần tạo cho trẻ một giai đoạn thú vị, bổ ích, chứ không chỉ là để giết thời gian hay tiện cho bố mẹ.
Ngoài ra, việc tận dụng kỳ nghỉ để ép con học thêm, nhồi nhét kiến thức cũng không nên, bởi một đứa trẻ cần nhiều thứ hơn kiến thức và học thuật.
Cô Lý cho rằng, thời gian này bố mẹ có thể cho con tham gia các câu lạc bộ, trải nghiệm những hoạt động xã hội. Dù vậy, việc lựa chọn hoạt động, trường lớp nào cũng cần tìm hiểu kỹ càng và không được đẩy toàn bộ trách nhiệm quản lý con cho những nơi đó.
Theo bà, đây cũng là dịp thích hợp để bố mẹ cùng con nhìn nhận lại bản thân, tranh thủ đặt ra cho con những mục tiêu đơn giản, ngắn hạn, chẳng hạn như trong tuần con giúp bố mẹ việc gì đó, hoặc con sẽ rèn được thói quen dọn đồ sau khi chơi… Những mục tiêu này do chính con ghi ra, có thể cho vào một phong bì dán kín rồi sau một khoảng thời gian ngắn thì cả nhà cùng mở ra xem con có đạt được không.
“Nhiều người lớn có thể không có nhiều thời gian dành cho con, nhưng nếu thật sự quan tâm, bố mẹ vẫn có thể tạo cho trẻ một kỳ nghỉ ‘học mà chơi, chơi mà học’ đúng nghĩa. Vấn đề là bố mẹ cần xác định mong muốn của mình với con, tính cách, đặc điểm của trẻ, xem con thiếu gì, cần gì. Khi đã xác định được điều này, thì dù là gửi con về quê, cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa hay làm gì, bố mẹ vẫn chủ động được mọi việc, và không cảm thấy quá vất vả, khó khăn trong kỳ nghỉ của con”, bà Lý nói.