Việc sơ cấp cứu cho trẻ trong trường hợp bị dằm, bị đứt tay, bị va quệt hay ngã, chảy máu… thực tế là rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết thực hiện cho đúng cách.
Trẻ bị các vật lạ cắm vào vết thương
Khi bé bị ngã có thể sẽ bị một vết cắt đứt da, gây chảy máu. Những hạt cát, đất bám vào có thể lau rửa dễ dàng. Song, nếu trẻ bị các vật cứng cắm vào, bạn có thể chữa trị theo chỉ dẫn sau:
Việc cần làm
– Nếu vết thương của con bạn chảy máu trầm trọng, bạn hãy nâng phần bị thương lên cao hơn mức tim bé và ấn mạnh xung quanh vật cắm vào vết thương, chứ không ấn trực tiếp lên đó. Đừng cố kéo vật lạ đã đâm sâu vào vết thương ra, vì làm như vậy sẽ khiến máu càng chảy nhiều hơn.
– Đặt miếng gạc lên vết thương và cả vật cắm để giảm tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
– Dùng những cuộn băng, làm thành những miếng lót đệm cao ngang bằng với vật cắm vào vết thương.
– Giữ chặt các miếng lót đệm, bằng cách lấy băng băng lại. Hãy cẩn thận, đừng ấn mạnh lên vật cắm vào vết thương.
– Đưa con bạn đến bệnh viện ngay sau khi sơ cứu.
Đứt da và trầy da
Đứt da và trầy da thường gặp trong suốt thời kì thơ ấu, hầu như bạn có thể chữa trị các vết thương kiểu này ở nhà.
Cấp cứu: Hãy đưa con bạn đi cấp cứu ngay sau khi sơ cứu, nếu con bạn bị:
– Vết đứt da rộng và sâu.
– Vết đứt da có mép hình răng cưa và cách xa nhau.
– Vết thương thành lỗ, gây ra bởi các vật như đinh rỉ hoặc răng thú.
Các việc cần làm:
– Trước tiên, bạn nên rửa tay thật sạch. Làm sạch vết thương bằng cách, để dưới dòng nước sạch hoặc lau nhẹ xung quanh vết thương bằng gạc tiệt trùng sẵn hoặc bông gòn nhúng vào nước nóng ấm. Sử dụng miếng gạc mới cho mỗi lần lau chùi. Không nên cố lấy bất kì vật gì đã cắm vào vết thương ra. Nếu trẻ bị thú vật cắn, hãy rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng.
– Nếu vết đứt da còn chảy máu sau 5 phút, bạn hãy ấn một tấm gạc đệm, một chiếc khăn tay lên vết thương trong vài phút.
– Hãy đặt một miếng băng keo hay một miếng gạc lên trên để che và giữ sạch vết thương. Không nên thoa bất kì loại thuốc mỡ sát trùng nào lên vết thương.
– Hãy che đậy vết thương bằng băng gạc, có băng dán cố định cho đến khi vết thương lành hẳn. Điều này giúp cho vùng bị thương giữ được độ ẩm và giúp cho vết thương chóng lành. Hãy thay băng mỗi ngày, chú ý ngâm nước trước khi tháo băng để gỡ băng keo cho dễ.
Trẻ bị gai và mảnh dằm đâm vào da thịt
Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu:
– Vùng da quanh chỗ dằm đâm vào trở nên tấy đỏ, sưng lên hoặc chạm vào là bé đau mãi cho tới 48 giờ sau.
– Cái dằm lớn hoặc làm bé đau, bạn không thể nào lấy nó ra được.
– Cái dằm đâm vào da thịt bé làm bằng thuỷ tinh hoặc kim loại.
Việc cần làm
– Nếu đầu của cái dằm ló ra ngoài, bạn hãy hơ lửa tiệt trùng một cặp nhíp, rồi dùng cái nhíp ấy kéo nhẹ cái dằm ra ngoài. Sau đó, rửa sạch toàn bộ vùng da bằng xà phòng và nước.
– Nếu không thấy đầu của cái dằm lòi ra ngoài, nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy cái dằm, có nghĩa là cái dằm chỉ nằm ngay dưới lớp da. Bạn hãy hơ lửa tiệt trùng một cây kim, chờ cho kim nguội, rồi từ từ chọc kim vào da trẻ, từ phần cái dằm đâm vào da, nhẹ nhàng tách phần da dọc theo cái dằm. Cẩn thận nâng đầu cái dằm lên bằng đầu kim và kéo ra bằng nhíp, sau đó rửa kĩ vùng bị dằm đâm bằng xà phòng và nước.
Chảy máu nặng
Nếu máu phun ra từ một vết thương hay chảy máu liên tục quá 5 phút, bạn hãy cố gắng ngăn dòng chảy để máu đông lại.
Việc cần làm:
– Nâng phần bị thương lên cao hơn tim của bé để giảm lượng máu chảy ngang qua vết thương. Bạn hãy tìm xem có những vật gì cắm vào vết thương, nếu có, bạn hãy chữa trị cho trẻ theo cách sau đây:
– Cho trẻ nằm xuống. Đặt lên vết thương một miếng vải sạch, không tưa sợi, tốt nhất nên dùng khăn tay sạch, ấn mạnh lên chỗ ấy trong khoảng 10 phút. Nếu không có sẵn miếng vải sạch nào, hãy dùng ngón tay sạch của bạn ấn và kéo cho hai mép vết cắt dính lại với nhau.
– Cứ để nguyên miếng vải ban đầu tại chỗ và buộc chặt một miếng đệm hay gạc sạch, sao cho sức ép được duy trì. Nếu miếng này đã thấm máu, bạn đừng bỏ nó đi, chỉ quấn thêm một miếng gạc nữa lên trên, để luôn luôn duy trì sức ép.