Cha mẹ hãy là người tạo dựng nên một gia đình bền vững, vì đó luôn là cơ sở vững chắc để trẻ phát triển hoàn thiện đầy đủ ngay từ khi còn nhỏ cả về thể chất lẫn tính tình, nhân cách và đạo đức của một con người.
Vô tình đọc nhật ký của cô cháu gái, chị Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình với những dòng nhật ký được viết bằng nét chữ khá ngây ngô: “Hôm nay mình buồn lắm, mẹ chẳng chịu hiểu. Mình giúp mẹ mà mẹ tưởng mình phá phách. Mình cảm thấy cô đơn và chẳng thấy cuộc sống này còn có ý nghĩa”.
Chuyện này cũng không phải là vấn đề nếu cô cháu gái chị đang thuộc độ tuổi dậy thì ẩm ương, thế nhưng, nhóc tì nhà chị chỉ mới 7 tuổi đầu. Và những ngôn từ này có vẻ hơi “quá sức” với lứa tuổi ấy.
Tức tốc đi tìm mẹ bé, chị Nga mới ngã ngửa ra rằng sáng nay bé Ngọc, cháu chị, định nấu ăn giúp mẹ nhưng lại bày bừa nhiều quá nên bị mẹ mắng.
“Chỉ có thế mà con bé đã buông ra những lời nghe “não cả ruột”. Nếu không uốn nắn kịp chẳng biết cháu như thế nào nữa”, chị Nga than thở với chúng tôi.
- Trường hợp này cũng xảy ra với bé Ti nhà chị Mai Hương (Phú Mỹ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh). Chị cho biết từ khi còn nhỏ, Ti thường nghĩ rằng mẹ không yêu Ti. Bởi mẹ chẳng mấy khi hỏi han xem Ti thích ăn gì, thích mặc quần áo màu gì.
Thậm chí, có lần chị ruột bé Ti còn kể lại với mẹ rằng em Ti nghĩ nó là con nuôi chứ không phải là con đẻ của bố mẹ, và có lẽ một ngày nào đó bố mẹ ruột sẽ rước Ti đi khỏi đây.
Phải mất vài buổi trò chuyện với con, chị Mai Hương mới giải thích cho bé hiểu được rằng mẹ yêu bé như bất kỳ bà mẹ nào trên thế giới yêu con.
Việc tiếp xúc nhiều với các ấn phẩm văn hóa, đặc biệt là internet, khiến tâm lý trẻ em ngày càng phức tạp. Bên cạnh các bé hư hỏng vẫn tồn tại một bộ phận sống với tinh thần ảm đạm hoặc có nhiều suy nghĩ tiêu cực, “làm quá”.
Còn nhớ cách đây không lâu, báo chí liên tục đưa tin về ba bé gái cùng uống thuốc độc tự tử với những lý do trời ơi đất hỡi. Thế nên, nếu như trước đây, quý phụ huynh bắt đầu lo lắng quan tâm con nhiều hơn ở tuổi dậy thì, thì có lẽ từ bây giờ hãy quan tâm bé nhiều hơn từ khi bé vào lớp 3.
Ở nước ngoài, người ra dùng thuật ngữ “tween” để chỉ các bé nhỏ hơn độ tuổi 13 và lớn hơn độ tuổi 6, cũng như có những bài phân tích kỹ lưỡng về tâm lý ở độ tuổi này. Tuổi “tween” trong xã hội hiện đại cũng quan trọng không kém tuổi “teen” (độ tuổi dậy thì) là bao, nên các bậc cha mẹ nên lưu tâm kỹ.
Đó là chưa kể chuyện một số bé còn có “tình cảm đặc biệt” với bạn khác giới. Chị Thy Thy (Bình Triệu, Thủ Đức) chia sẻ rằng ở lớp tiểu học của con chị có mấy đôi tỏ ra thích nhau. Dù không công khai nhưng ai nhìn vào cũng thấy rõ, chúng chỉ giấu mỗi cô giáo thôi.
Ngay cả con chị cũng đang thích một cậu cùng lớp. Chị gặng hỏi con lý do, bé hồn nhiên: “Vì bạn ấy hay nói chuyện với con, thỉnh thoảng hay tặng con kẹp tóc, đôi khi còn làm bài tập cho con vì bạn Tuấn (tên cậu nhóc kia) học giỏi lắm, lại rất đẹp trai nữa”. Biết rằng đó chỉ là cảm xúc kiểu trẻ con nhưng chị Thy Thy không thể không lo lắng.
Trẻ đến tuổi biết để ý, suy nghĩ và bắt đầu có ý thức về giới tính, tình cảm giới tính sẽ gặp rất nhiều điều phức tạp mà bản thân trẻ chưa thể hiểu được thấu đáo để biết cách làm sao cho đúng.
Lúc này cha mẹ cần quan tâm con hơn nữa để kịp thời nắm được và chia sẻ những tâm tư, tình cảm của con. Mối liên hệ gia đình bền vững luôn là cơ sở vững chắc để trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tính tình, nhân cách và đạo đức.