Kết quả nghiên cứu mới hoàn thành cho thấy việc chụp CT vùng đầu cho trẻ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư não hoặc bệnh bạch cầu về sau.
Mặc dù nhiều lần chụp CT có thể tăng gấp 3 nguy cơ này, nguy cơ tuyệt đối vẫn nhỏ, với 1 ca bệnh/10.000 ca chụp CT vùng đầu.
Tác giả đứng đầu Amy Berrington de Gonzalez, thuộc Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, đã nói: nghiên cứu này lần đầu tiên xem xét nguy cơ ung thư thực sự của tia xạ từ chụp CT.
Các tác giả thu thập dữ liệu của gần 180.000 bệnh nhân Anh dưới 22 tuổi đã chụp CT trong thời gian 1985-2002. Họ xem xét các ca bệnh bạch cầu, u não, số lần chụp CT và liều tia xạ được hấp thu bởi não và tủy xương.
Kết quả là 71 bệnh nhân đã bị bệnh bạch cầu, 135 người bị ung thư não. Nguy cơ tương đối với bệnh bạch cầu tăng 0,036 trên mỗi milli-Gray (mGy) được dùng thêm và nguy cơ ung thư não tăng 0,023 trên mỗi mGy được dùng thêm. 1 lần chụp CT trước tuổi lên 10 sẽ có thêm 1 trường hợp bị bệnh bạch cầu và 1 trường hợp ung thư não trong số 10.000 bệnh nhân ở thời điểm 10 năm sau lần phơi nhiễm đầu tiên.
Trẻ em dễ nhạy cảm với tia xạ hơn người lớn và có nhiều bước mà cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ khi bác sĩ đề nghị chụp CT cho đứa trẻ.
Nghiên cứu được đăng trực tuyến ngày 7 tháng 6 của tờ The Lancet.
Cha mẹ nên hỏi bác sĩ liệu thủ thuật này có cần thiết không hoặc nhiều xét nghiệm khác có thể cung cấp thông tin tương tự mà không có tia xạ, như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ.
Hiện nay, để đảm bảo trẻ em không tiếp xúc với nhiều tia xạ hơn mức cần thiết khi chụp Xquang hoặc chụp CT, Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã đề nghị các nhà sản xuất những thiết bị này chế tạo sao cho an toàn với các bệnh nhi.