Lên 2, con bạn đã có thể nhận thức thế giới và thể hiện tình cảm…Cha mẹ cần hướng nhận thức của bé về bản thân, về thế giới xung quanh, về cách ứng xử nào là phù hợp, cách nào không phù hợp. Tuy nhiên, dù gặp sự cố nào, cũng không nên cấm đoán con vui chơi.
Và, đúng, bạn là người đã trưởng thành (lại còn đang đứng ở vị trí là bố/ mẹ nữa), thế nên những gì bạn đưa ra cho con mình thường là chân lý (cho dù đó chỉ là tự đúc kết chẳng hạn).
Thế nhưng, đôi khi bạn phải dùng những mẹo nhỏ, những cách đánh lạc hướng sự cảnh giác của bé để “đào tạo” một đứa trẻ ngoan và biết tự chăm sóc bản thân từ lúc còn rất bé. Dưới đây là một số cách thú vị dành cho bạn.
Làm thế nào để cục cưng chịu vệ sinh răng miệng
Bọn nhóc cần phải chải răng ít nhất hai lần một ngày. Dù sao thì chúng tôi cũng phải công nhận rằng chuyện này nói dễ hơn là thực hiện. Cho đến lúc cục cưng của bạn tròn 5 tuổi thì bé vẫn chưa thực sự chịu hợp tác (hoặc đủ kiên nhẫn) để “tự thân vận động” về việc này. Tuy nhiên, bạn có thể thử một số cách thú vị như sau:
Chơi trò chơi bác sĩ nha khoa: Hãy cho bé cùng ngồi lên người bạn và giả làm ghế đệm êm ái ở các phòng nha. Giả bộ rằng bạn đang kiểm tra răng miệng của bé, hãy dụ bé nhe răng ra và nhẹ nhàng chải răng cho bé.
Khuyến khích bé bằng đồ chơi. Ví dụ, cầm con robot (hoặc búp bê) bé yêu thích lên và nói “Robot/ búp bê đang muốn đánh răng. Ai sẽ chỉ robot / búp bê đánh răng đây nhỉ?”. Khi bé vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời, hãy gợi ý bé làm mẫu cho búp bê xem. Bé sẽ rất hăng hái với việc hướng dẫn này đấy.
Giả bộ nghĩ rằng bàn chải đánh răng là một món điện tử vui nhộn. Bạn cầm bàn chải đưa bé và tạo ra tiếng “brừ” để bé hiểu đánh răng cũng là trò chơi rất đặc sắc.
Những câu bạn có thể nói với bé
“Con muốn mẹ đánh răng giúp cho con không? Hay con muốn tự đánh răng rồi mẹ kiểm tra lại giúp nào?”.
“Con muốn đua không? Đua xem ai đánh răng chậm và kỹ nhất nhé?”.
“Con muốn mẹ bắt đầu chải hàm trên hay hàm dưới trước nè cục cưng?”.
Làm thế nào để cục cưng uống thuốc
Với các bé thật sự khó uống thuốc thì bạn nên chọn cho bé các loại thuốc có vị ngọt. Trên thị trường bây giờ đã có rất nhiều loại thuốc ngọt dành cho bé, nhất là kháng sinh và hạ sốt (hai loại thuốc mà trẻ em thường phải dùng).
Nếu bắt buộc phải cho bé uống thuốc viên, đắng thì bạn nên dùng thìa nghiền ra thật mịn, sau đó cho vào một chút mật ong hoặc đường rồi đánh lên thật kỹ. Nhớ chuẩn bị thêm bên cạnh một cốc nước lọc và một chút mật ong, nước ngọt hoặc bánh kẹo ngọt để sau khi uống thuốc, bạn sẽ cho bé uống nước rồi dùng chút gì ngọt ngọt. Có thế, bé sẽ không sợ thuốc nữa cũng như không nôn ọe ra sau khi uống thuốc.
Với bé hơn một tuổi, bạn có thể giải thích thêm cho bé hiểu rằng uống thuốc giúp cho bé hết bệnh. Hoặc bạn có thể cho bé chơi trò chơi “đút thuốc” cho búp bê để tăng lòng dũng cảm cho bé.
Muốn bé quên ngay, không nôn ọe thì bạn cần chuẩn bị sẵn một vài món đồ chơi hấp dẫn nào đó bên cạnh để đưa cho bé ngay sau khi uống thuốc.
Thêm vào đó, thái độ của người cho uống thuốc cũng rất quan trọng. Nếu bạn tỏ ra bình tĩnh và coi chuyện bé uống thuốc là một điều hết sức bình thường thì cục cưng sẽ không căng thẳng và đỡ sợ hơn. Ngược lại, nếu bé nhận ra rằng bạn đang căng thẳng hoặc xót con thì bé sẽ sợ theo hoặc làm nũng nhiều hơn.
Với những bé hay nôn, bạn nên cho bé uống thuốc trước bữa ăn khoảng 15 – 30 phút để phòng trường hợp bé nôn ra hết thức ăn.
Làm thế nào để cục cưng tự mặc quần áo
Từ những tháng đầu của cuộc sống, mặc quần áo cho bé là công việc hàng ngày mà bạn phải làm. Trong khi thực hiện công việc này, bạn có thể mô tả cho bé nghe những gì đang diễn ra. Những câu ngắn như “đưa bàn chân cho mẹ”, “qua đầu” và “cánh tay con đâu?” có thể có ích nếu bạn nói mỗi lần mặc quần áo cho bé.
- Luôn luôn cho bé cơ hội để giúp bạn mặc quần áo, đặc biệt từ 10 tháng tuổi trở đi. Ở lứa tuổi này, bạn có thể dừng lại một lát khi bạn đưa bàn tay của bé vào ống tay áo. Khen ngợi bé khi bé tự đẩy cánh tay qua ống tay.
Sau 14 tháng tuổi, việc gọi tên các loại quần áo trở nên quan trọng hơn khi bé học từ mới. Hãy dựa vào điều này để thôi thúc thói quen mới bắt chước tự nhiên của bé – giúp bé mặc một bên và để cho bé tự mặc bên còn lại.
Ở tuổi này, bé đã hiểu rằng giày là để mang vào bàn chân nhưng khả năng phối hợp cơ chưa phát triển để có thể tự mang giày. Bạn có thể giúp bé một tay nếu cần. Bạn không muốn con mình bỏ cuộc, nhưng bạn cũng không nên cho bé biết là chỉ có bạn mới có thể làm được việc này.
Phát triển một số trình tự mặc quần áo thú vị để khích lệ tinh thần hợp tác và tham gia của bé. Đặt ra một bài hát nhỏ, chơi trò “ú òa” khi áo chui qua đầu. Chính điều này đã giúp cho việc mặc quần áo của bé diễn ra nhanh hơn.
Làm cách nào để cục cưng chịu hòa nhập với cộng đồng
Thay vì quấn quýt với bé, người mẹ cần tạo cho con khoảng trống để hòa nhập xã hội. Ban đầu, sẽ rất khó khăn cho cả mẹ và bé khi phải “tách” nhau; vì thế, mẹ cần “cai” bé từ từ.
Tránh đột ngột quá khiến cho bé hụt hẫng, thất vọng hay hoảng loạn. Từ 2 tuổi trở đi, bé có thể tự tham gia vui chơi cùng một nhóm bạn, vừa là học nói, vừa là hình thành khả năng thích nghi xã hội.
Không nên sợ con khóc, lo con bị bạn bắt nạt mà “cách ly” bé với bạn chơi. Hãy để cho bé hòa đồng bằng cách đưa bé đến nơi có nhiều bé cùng tuổi khác. Cũng có thể mời những bé hàng xóm đến nhà chơi, mỗi bé cầm một món đồ chơi. Thông qua đó, cha mẹ có thể dạy cho bé cách chia sẻ và hòa đồng.
Đơn giản hơn, có thể đưa cho bé một ít đồ ngọt và đề nghị: “Con mang kẹo mời bạn đi”. Lúc đầu, bé tỏ ra rụt rè nhưng các bé sẽ hòa nhập khá nhanh. Khi các bé đã quen với nhau, mẹ sẽ có thời gian làm việc khác. Nếu bé bị ngã, bị bạn chơi đánh (cấu, cắn…), cha mẹ cũng không nên hoảng sợ.
Khoảng 2 tuổi, bé bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh và biết cách thể hiện tình cảm. Khi bị ngã, bé có thể khóc thét lên, chạy đến mẹ hoặc cứ nằm im như thế, chờ mẹ đến nâng dậy; khi bị bạn cùng chơi cắn, bé sợ hãi, không dám chơi tiếp hoặc kéo tóc lại người bạn “xấu” kia.
Cha mẹ cần hướng nhận thức của bé về bản thân, về thế giới xung quanh, về cách ứng xử nào là phù hợp, cách nào không phù hợp. Tuy nhiên, dù gặp sự cố nào, cũng không nên cấm đoán con vui chơi.