Tình hình trẻ dậy thì sớm đang nằm trong tầm ngắm báo động đỏ ở Việt Nam vì vậy các bậc cha mẹ cần tránh triệt để các yếu tố gây dậy thì sớm cho con
Trái non chín ép
Tình hình trẻ dậy thì sớm đang nằm trong tầm ngắm báo động đỏ ở Việt Nam. Vài năm gần đây, tỉ lệ trẻ dậy thì sớm có xu hướng “trẻ hóa”. Trẻ từ 10 tuổi trở lên bắt đầu đối mặt với sự thay đổi rõ rệt của cơ thể. Thậm chí có trẻ 8- 9 tuổi đã bước vào chu kỳ kinh nguyệt..
Các bé gái ăn chưa no, lo chưa tới bỗng dưng thấy chảy máu thường rơi vào tình trạng hoang mang, sợ sệt vì tưởng “đèn đỏ” là bệnh tật hoặc xấu hổ vì “con không giống bạn”. Việc trẻ phát triển nhanh gây ra nhiều rủi ro về sức khỏe như dễ mắc ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng…cao hơn trẻ bình thường. Dậy thì sớm cũng sẽ ngăn cản sự phát triển chiều cao của trẻ.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ bắt nguồn từ 4 lý do cơ bản. Trước hết, đó là chế độ ăn dư thừa dinh dưỡng. Tỷ lệ những trẻ béo phì dậy thì sớm hơn hẳn những trẻ bình thường. Độc tố cũng là một nguyên nhân quan trọng khác thúc đẩy sự dậy thì sớm ở trẻ. Bisphenol A (BPA), một hóa chất công nghiệp trong thành phần sản xuất các loại chai nhựa cứng và hộp đựng thực phẩm tác động tiềm ẩn tới tuyến tiền liệt ở bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Phthalates, một hợp chất hóa học, hay những dẫn xuất hóa học có trong thuốc trừ sâu DDT cũng có thể đẩy bé dậy thì sớm hơn.
Ngoài ra, hormon estrogen có trong các chất kích thích tăng trưởng ở vật nuôi bị nghi ngờ là thủ phạm gây nên sự dậy thì sớm nếu bé được mẹ cho ăn quá nhiều thịt. Vốn dĩ chưa đến tuổi phát triển nhưng vì nạp nhiều lượng estrogen có trong cơ thể, nên bé dễ xuất hiện những biểu hiện đặc trưng của giới tính nữ….
Cuối cùng, các nhân tố xã hội như sách, ảnh, phim, truyện về giới tính khi trẻ được sớm tiếp xúc cũng chính là một phần dẫn đến sự phát triển dậy thì sớm. Chưa kể khi bé bị stress, những hormon tiết ra ở tế bào não cũng “kích hoạt” yếu tố dậy thì sớm như một dạng trầm cảm tiềm ẩn.
Bí quyết ngăn ngừa
– Tránh cho bé ăn nhiều đường và chất béo. Nên cho trẻ ăn thực phẩm tươi sống, hạn chế các loại đồ hộp. Tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau, quả và ít chất ngọt. Giới hạn thịt, thay vào đó là ăn cá.
– Dùng bình đựng nước bằng thép không gỉ, sứ hoặc thủy tinh cho con. Các chai đựng nước bằng nhựa có thể gây độc hại cho sức khỏe trẻ vì các chất hoá học trong nhựa có thể rò rỉ ra nước uống trong lúc nước đang còn nóng.
– Không dùng đồ nhựa để làm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Hãy sử dụng cốc, hộp, bát sứ, kính thay thế dù cho các hãng sản xuất có khẳng định đó là loại nhựa an toàn hay không. Không nên đậy thức ăn bằng nylon.