Vì đang làm việc ở gần nhà hộ sinh Ba Đình nên chị Ngọc, biên tập viên của một tạp chí thường đến đây để khám thai định kỳ và rất hài lòng với dịch vụ ở đây. Tuy vậy, chị lại nhất quyết phải vào Bệnh viện phụ sản Hà Nội sinh “cho yên tâm”.
Bà bầu 36 tuần này vẫn không thay đổi quyết định dù nhiều lần toát mồ hôi chờ khám giữa biển bệnh nhân tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội; hoặc đăng ký đẻ dịch vụ với giá gần chục triệu đồng mà cũng không có phòng.
“Cả đời mới sinh 1-2 lần, cứ phải chọn bệnh viện có tiếng, có vấn đề gì là họ xử lý ngay cho, chứ nhỡ một chút là ảnh hưởng hai mạng người, đâu thể qua loa được “, chị Ngọc nói.
Tâm lý của chị Ngọc khá phổ biến với các thai phụ, và điều đó cũng góp phần tạo nên một nghịch lý hiện nay: Trong khi các bệnh viện phụ sản lớn quá tải thì nhiều nhà hộ sinh nổi tiếng ở Hà Nội lại vắng vẻ.
Hơn 9h sáng 12/6, phòng khám tại Nhà hộ sinh A (Ngô Quyền, Hà Nội) có khoảng gần chục bệnh nhân, trong đó gồm vài bà bầu, còn lại chủ yếu là các chị em tới khám phụ khoa, đặt – tháo vòng hay làm “kế hoạch”. Trong phòng chờ sinh, chỉ có một sản phụ và người nhà. “Từ hôm qua đến nay mới có ca đẻ này thôi”, một nữ hộ sinh cho biết.
Dù vậy, so với 3 nhà hộ sinh từng có tiếng khác tại Hà Nội là Nhà hộ sinh B (hay còn gọi là Cây Đa Nhà Bò) ở Lò Đúc, Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Lê Trực) và Nhà hộ sinh Đống Đa ở ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên), thì đây vẫn là nơi tấp nập nhất.
Mới 10h30 sáng nhưng cả sảnh tầng 1 khu nhà 5 tầng khang trang của Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò đã vắng hoe. Một nhân viên y tế tại đây cho biết, đây là chuyện thường ngày. “Trụ sở mới được nâng cấp, to đẹp là thế, đủ cho 50 người nằm nhưng trung bình mỗi ngày không có một sản phụ tới sinh”, bà cho hay.
Tương tự, các bác sĩ, nhân viên tại Nhà hộ sinh quận Đống Đa nằm sâu trong ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Hà Nội) lúc nào cũng trong tình trạng đợi bệnh nhân. Khu nhà 3 tầng nằm im lìm đầu giờ chiều, phòng khám, phòng làm thủ thuật tại tầng 1 thưa thớt người đến. Tại tầng 2, phòng sau đẻ khá rộng, có đủ quạt, điều hòa, nhà vệ sinh sạch sẽ, khép kín với 6 giường nằm nhưng chỉ có hai sản phụ vừa sinh. 3 phòng hậu sản trên tầng 3 thì hoàn toàn trống không.
Bác sĩ Trần Vân Yến, trưởng Nhà hộ sinh A cho biết, hồi bà mới gắn bó với cơ sở này – những năm 80 – 90, mỗi ngày nơi đây đỡ 25-30 ca đẻ, khám cho khoảng 50 bệnh nhân, cộng với làm thủ thuật hút thai 50 ca. Còn hiện nay, trung bình mỗi tháng nhà hộ sinh tiếp nhận 35-40 ca sinh, số khám và hút thai chưa bằng một nửa so với trước.
“Ngày trước, cứ đi đẻ là người ta vào nhà hộ sinh, bởi có muốn chuyển viện cũng khó, muốn lên tuyến trên là phải có giấy chuyển của tuyến dưới. Còn bây giờ, bệnh viện tuyến trên mở cửa dịch vụ, ca nào cũng nhận, ngoài ra hàng loạt phòng khám, bệnh viện tư… mở ra với đủ cách thu hút người bệnh”, bác sĩ Yến lý giải tình trạng vắng khách.
Một trong những nguyên nhân khác, theo bà, là do cơ chế. “Theo quy định, nhà hộ sinh chỉ được siêu âm thường, không có siêu âm màu hay siêu âm đầu dò, không được mổ… nên không đáp ứng được nhu cầu của nhiều người”, bà nói.
Theo bác sĩ, những người chọn sinh tại Nhà hộ sinh A chủ yếu là do được người quen giới thiệu, từng đẻ lần thứ nhất tại đây, và phần lớn họ là dân nghèo, dân ngoại tỉnh nhập cư.
“Có chị định sinh tại đây vì được đồng nghiệp giới thiệu, thì bị mẹ chồng phản đối vì ‘hoàn cảnh nhà mình mà con phải đến nhà hộ sinh để đẻ à’. Sản phụ sau đó vẫn chọn Nhà hộ sinh A, rồi còn tiếp tục sinh lần 2 ở đây và rất hài lòng. Nhưng tôi vẫn thấy buồn khi biết có rất nhiều người quan niệm nhà hộ sinh chỉ dành cho những người không có tiền, không thể lên tuyến trên”, bác sĩ Vân Yến chia sẻ.
Hiện nay, vì vắng bệnh nhân nên để tăng thu nhập cho nhân viên, nhà hộ sinh phải mở thêm các dịch vụ như theo dõi, chăm sóc sản phụ sau sinh, tắm bé hay phục vụ từ cốc sữa, quả trứng cho bệnh nhân trong quá trình đẻ…
Nói về khả năng quảng bá để thu hút người bệnh, bác sĩ Vân Yến chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có thể phục vụ bệnh nhân thật tận tâm, để những người từng lựa chọn sinh ở đây lần đầu sẽ tin tưởng và không phải đắn đo khi đến lần hai, và người này truyền người kia, chứ lấy tiền đâu ra mà quảng bá”.
Trong khi đó, tại hai bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội, tình trạng quá tải ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mỗi ngày, bệnh viện đỡ đẻ 50-70 ca, tiếp nhận 1.200-1.500 bệnh nhân tới khám. Mỗi năm bệnh viện đều triển khai mạnh các biện pháp giảm tải như tăng số giường bệnh, sắp xếp các khoa phòng… nhưng cứ mở thêm ra đến đâu là quá tải đến đó. Mỗi năm, thống kê trung bình cho thấy bệnh viện lại quá tải thêm 15%.
Tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội, tình trạng cũng tương tự. Khi mới hoạt động năm 1979, Bệnh viện phụ sản Hà Nội chỉ gồm hai tòa nhà A và B với 150 giường điều trị, 300 bác sĩ, cán bộ, nhân viên. Số lượng người bệnh đến khám, chữa, sinh ngày càng tăng. Năm 2001, bệnh viện xây thêm khu nhà C, năm 2006 lại xây tiếp khu nhà D, nâng tổng số giường lên 437 nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.