Độ trung niên của người phụ là giai đoạn gắn liền với thời kỳ tiền mãn kinh: khả năng hấp thu dinh dưỡng và sức đề kháng đã giảm nhiều, các chức năng của cơ thể cũng không còn hoạt động tốt như trước đây nên rất dễ mắc các bệnh như: loãng xương, mỡ máu, đái tháo đường, tim mạch… Ở độ tuổi này, họ cần được đặc biệt quan tâm và chăm sóc về sức khỏe.
Loãng xương
Loãng xương là bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nữ giới sau độ tuổi mãn kinh có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Ở phụ nữ trên 45 tuổi, loãng xương chiếm một số lượng lớn số ngày nằm viện. Sau mãn kinh 5 năm, nó sẽ tăng nhanh từ 2 – 3%/năm. Sau 10 năm đầu mãn kinh có thể làm xẹp đốt sống, lưng còng 1/3 hoặc gãy các xương dài ở cổ tay, cổ xương đùi một cách dễ dàng.
Tỷ lệ loãng xương nhanh chóng tăng lên theo độ tuổi và chiếm 70% ở phụ nữ trên 80 tuổi. Chính sự thiếu hụt estrogen là nguyên nhân gây ra chứng loãng xương và gãy xương. Do vậy, phụ nữ cần khám định kỳ đo độ loãng xương để phát hiện và điều trị kịp thời.
Tăng huyết áp và các bệnh tim mạch
Phụ nữ đến tuổi trung niên thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch (nam giới mắc nhiều hơn nữ giới) do tác dụng bảo vệ của estrogen giảm dần. Cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt dẫn đến các chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não…
Những người ăn uống tùy tiện (nhiều đạm động vật, ít rau xanh, trái cây…), ít vận động, béo phì, thường xuyên căng thẳng thần kinh… khiến nguy cơ bị rối loạn lipit máu tăng cao, dẫn đến thừa cholesterol, kéo theo nguy cơ mắc một loạt các bệnh tim mạch, sỏi túi mật, đái tháo đường. Ngoài ra, việc ít vận động, không tập thể dục cũng gây nguy cơ thừa mỡ, thừa lipid trong máu gây ra bệnh huyết áp cao, bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, hẹp mạch vành,…
Để phòng tránh nguy cơ của bệnh tim mạch bằng cách giảm lượng cholesterol dư thừa trong cơ thể, mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý. Bởi vậy, nên bắt đầu theo dõi từ tuổi 45 và người có nguy cơ cao (béo, ít vận động, mỡ máu, loãng xương, đái tháo đường…) cần kiểm tra nồng độ cholesterol sớm hơn.
Nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú
Phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Các yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do sau 35 tuổi, nội tiết tố sinh dục, nang noãn của phụ nữ giảm, sức đề kháng kém nên rất dễ viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung. Ngoài ra, sinh đẻ nhiều, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, viêm nhiễm cổ tử cung kéo dài (nhất là nhiễm siêu vi Herpès simplex II..), virus HPV… cũng là nguyên nhân dẫn đến bị ung thư cổ tử cung. Do vậy, để phát hiện điều trị kịp thời, phụ nữ cần đi khám phụ khoa định kỳ 1 năm một lần.
Ngoài ra, còn để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV (virus gây suy giảm miễn dịch), lậu, giang mai, mụn rộp sinh dục và Chlamydia có thể gây tổn thương cho hệ thống sinh sản, nếu nhiễm HIV sẽ đe dọa đến tính mạng. Đi khám ngay khi thấy có rong huyết sau giao hợp, dù rất ít.
Ung thư vú là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên – căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Phụ nữ tuổi 40 có khoảng 18% được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Gia đình có người từng bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3-5 lần; ngoài ra còn do béo phì, không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn; Do dậy thì sớm và mãn kinh muộn…
Do vậy, nên tự khám vú xem có gì bất thường, đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực… hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị sớm.
Hội chứng tiền mãn kinh
Tuổi trung niên (sau 35 tuổi), estrogens (nội tiết tố sinh dục) giảm, nang noãn giảm và rụng trứng không đều. Hormon sinh dục giảm nên các endorphins cũng không được tiết ra, gây các triệu chứng cơ năng của mãn kinh bắt đầu thiếu hụt estrogen. Thiếu estrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bị bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra những lo âu,… Do vậy, cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có thể được chỉ định uống estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể.