Với mỗi con người, lòng tự trọng của trẻ là phẩm chất tốt đẹp và cha mẹ nào cũng muốn thấy nó nơi những đứa con của mình. Vậy chúng ta cần phải làm gì để có thể phát triển và nâng cao lòng tự trọng của các con? Chúng tôi xin được dẫn ra những lời khuyên bổ ích từ nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget:
Phụ huynh và giáo viên cần xây dựng một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau đối với con, để khuyến khích trẻ em giải quyết các vấn đề riêng của mình và phát triển quyền tự chủ của chúng. Ở độ tuổi đi học, người có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ em hòa nhập vào xã hội chính là giáo viên. Nếu giáo viên thúc đẩy mong muốn của trẻ em về kiến thức và chia sẻ với trẻ về nhận thức thay vì những lời chỉ trích, sẽ rất thuận lợi để phát triển đạo đức và lòng tự trọng của trẻ.
Khi một đứa trẻ bị trừng phạt, hình phạt nên tuân theo nguyên tắc có đi có lại. Trách nhiệm, hợp tác và tự kỷ luật không được đưa ra bằng phương pháp độc tài. Lòng tự trọng phải được phát triển dựa trên hợp tác chứ không phải là mệnh lệnh. Nó sẽ phát triển tiêu cực khi trẻ bị trừng phạt và đe dọa mất niềm tin và tình yêu từ cha mẹ.
Thành công của trẻ sẽ giúp nó bắt đầu tin vào khả năng của mình. Điều quan trọng là cha mẹ phải định hướng cho trẻ càng có nhiều niềm tin thì thành công càng nhiều. Từ thành công của con, cha mẹ luôn có những lời khen ngợi chân thành, và tuyệt đối không được so sánh thành công hay thất bại của con mình với bạn bè của chúng.
Nếu không có lòng tự trọng cao trẻ sẽ rất khó khăn để đáp ứng với những thách thức của cuộc sống. Tham gia các hoạt động và thảo luận mà không sợ phạm sai lầm, tự hào về những đóng góp của mình trong các hoạt động chung, trẻ cảm thấy hạnh phúc, tự tin và sống tình cảm hơn. Vì vậy, bạn nên dạy trẻ biết cảm nhận và cảm thông. Đây là một nhân tố của sự khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống đối với thế hệ tương lai.