Ngày xưa, ông bà, cha mẹ ta giành nhiều thời gian cho con cháu hơn. Giáo dục thế hệ bao giờ cũng vô cùng bổ ích mỗi dịp hè về.
Huấn luyện Kỹ năng sống 2012 bằng chương trình Học kỳ quân đội gần đây nổi lên như phong trào thu hút nhiều bậc phụ huynh. Điều đó không sai. Song sẽ không có phép màu nào giúp trẻ trưởng thành chỉ trong một khóa đào tạo ngắn ngày như thế, dù sẽ được tham dự các khóa huấn luyện điều lệnh đội ngũ, các tư thế vận động chiến trường, thực hành nếp sống và các chế độ sinh hoạt, học tập như người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Cả khi các nội dung huấn luyện về kỹ năng sống cũng được lồng ghép xuyên suốt những ngày trại, như huấn luyện tư duy sáng tạo, rèn luyện sự tự tin, vượt qua sợ hãi, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng học tập hiệu quả, xử lý tình huống, hình thành giá trị sống…
Nếu người lớn làm việc quá mức cũng có tác hại, phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình, thì trẻ em càng cần cân nhắc, để mùa hè thực sự là mùa nghỉ ngơi, thư giãn…
Cha mẹ tôi thường nhắc nhiều về những “trại hè” ngày xưa ông bà thường được tham gia, cũng đầy bổ ích mà không tốn kém của cha mẹ cả tháng lương như học phí các khóa học kỹ năng sống bây giờ. Họ tham gia làm vườn, tham gia cắm trại, sống cùng nông dân… Chăm sóc vườn tược thường được xem là một thú điền viên, chỉ dành cho người lớn tuổi, người già. Hóa ra việc làm vườn cũng rất có ích cho trẻ em, dạy cho các em nhiều bài học về cuộc sống và thế giới xung quanh với vô vàn điều mới mẻ… Xa hơn nữa, ông ngoại tôi thường kể về thời của những hướng đạo sinh ngày ấy… Điều quan trọng là những hướng đạo sinh, những anh chị quản trại hè đầy bản lĩnh và hiểu biết, tận tâm thật lòng yêu thương đã giúp đám trẻ mới lớn định hướng cuộc đời mình: Học cái gì, đạt được gì? Gánh vác những trách nhiệm gì? Cách kiên nhẫn, cách vượt qua thất bại, cách sinh hoạt cộng đồng thân thiện…
Tư duy lại về mục đích học tập sẽ khiến học trò có động lực học, hứng thú khi học tập và làm việc. Và một khi nhận thức được sâu sắc điều đó, mọi lệch lạc hiện thời của con em đều có thể kịp điều chỉnh được. Có điều, hình như ngày xưa, ông bà, cha mẹ ta giành nhiều thời gian cho con cháu hơn. Giáo dục thế hệ bao giờ cũng vô cùng bổ ích mỗi dịp hè về.
Bây giờ, nhiều cha mẹ “cậy” có tiền, ỷ vào đũa thần dịch vụ giáo dục có thể “phù phép” dạy con…Cha mẹ ham kiếm tiền, làm việc quá mức, hiểu mình, hiểu con đều hữu hạn, lấy đâu thời gian cùng kinh nghiệm sống cho con noi theo? A dua dạy con theo phong trào, đứa trẻ như bị lập trình, nhắm vào những thành công trước mắt thay vì hình thành một nhân cách.