Nhiều phụ huynh lo ngại, việc các bé đánh bạn ở trường là bạo lực không thể chấp nhận được và họ thực sự bất an khi để con học chung với những ‘đầu gấu nhí’ như thế. “Rất có thể, con bị ảnh hưởng tâm lý và bắt chước tính ngang tàng của bạn?!”
Những vết xước
Đón con ở trường mầm non về, chị Thanh (khu Nghĩa Đô, Cầu Giấy) hoảng hồn khi cởi quần áo để tắm cho con và phát hiện nhiều vết xước sâu, có chảy máu ở vùng ngực. “Hỏi cháu thì cháu bảo bị bạn cấu. Nhưng tôi hỏi bạn nào, cháu không nói”, chị Thanh kể.
Chị Thanh đã phải thông báo với cô giáo của con về việc này. Cô giáo cũng tìm cách hỏi và tìm ra “thủ phạm” đã cấu con chị và liên hệ với hai bên phụ huynh.
Tương tự như trường hợp của chị Thanh, chị Vũ Nhung, có con 4 tuổi, học mầm non ở một trường công lập, quận Hai Bà Trưng kể rằng, thỉnh thoảng đi học về bé lại có những vết sẹo ở chân, tay do chơi với bạn và bị bạn đánh. “Trẻ con chơi với nhau thường hay đánh nhau. Tôi cũng chỉ biết phản ánh với cô và đề nghị phụ huynh các cháu bảo con mình chứ chẳng biết phải làm gì hơn”, Chị Nhung nói.
Đi học và bị bạn bắt nạt không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế, việc đánh nhau và bất đồng quan điểm giữa học sinh xảy ra rất nhiều. “Thường thì các cháu chơi với nhau hòa thuận, nhưng thỉnh thoảng có cháu tính cách cá biệt, luôn trêu chọc và đánh bạn. Dù có để ý các cháu đến đâu thì vẫn có lúc có bạn phải khóc”, chị Ngọc Bích, giáo viên mầm non một trường tư thục cho biết.
“Đại ca” trong lớp học
Chị Ngọc Bích chia sẻ thêm, những bé hay trêu chọc và đánh bạn được “liệt” vào hàng “đại ca” trong lớp học. Đó là những bé có tính cách lì lợm và thích lãnh đạo, sai bảo.
Ở trường mầm non HH (Hà Nội), cậu bé có biệt danh Bẹt nổi tiếng toàn trường, bạn nào gặp cũng phải khúm núm. Cậu bé có đôi mắt một mí, ánh nhìn rất… lạnh và thân hình ‘đô con’ nên việc ăn hiếp bạn cũng lứa, thậm chí là anh chị lớp trên diễn ra dễ dàng như cơm bữa. Rất nhiều bạn bị cậu cho “đo ván” trong lớp học, thậm chí trong sân trường.
Nhiều phụ huynh có con học chung lớp với Bẹt kêu ca với cô giáo chủ nhiệm, bố mẹ Bẹt về việc con họ bị cậu bé này bắt nạt. Chị Minh, mẹ của Bẹt than thở: “Có thời gian, 1 tuần phải có đến 4 ngày phụ huynh các cháu khác đòi gặp vợ chồng tôi vì con tôi đánh con cái họ”.
Chị Minh cũng cho biết, vợ chồng chị đã trách, phạt, bảo ban con nhưng thỉnh thoảng vẫn bị kêu ca là Bẹt đánh bạn đau. “Ở tuổi này tôi không muốn các phụ huynh khác gọi cháu là đại ca với đầu gấu. Vợ chồng tôi cũng nghiêm khắc với cháu lắm chứ có phải chiều chuộng cháu đâu”, chị Minh nói.
Cũng có con thuộc hàng “đại ca” như chị Minh, nhưng con chị Vũ Mai lại là con gái. Những chiêu trò của cô bé Xuxu với các bạn là cấu, dứt tóc… Chị Mai cũng rất đau đầu khi lần nào đón con mà bị cô giáo mời vào phòng trao đổi.
Phụ huynh nói gì?
“Nghĩ trẻ con chơi với nhau thỉnh thoảng cũng có xô xát nên mình cũng không nặng nhẹ gì nhiều với phụ huynh cháu kia. Nhưng các cháu chơi đùa, đánh nhau mình thấy không yên tâm! Nhỡ không may các cháu cấu vào các bộ phận như mắt, bộ phận sinh dục thì thật nguy hiểm”, chị Thanh giãi bày.
Đúng như chị Thanh nói, trẻ con chơi với nhau thỉnh thoảng sẽ đánh nhau, nhưng có một số cha mẹ phụ huynh rất lo lắng vì con họ bị bắt nạt ở trường. Chị Minh kể: “Một phụ huynh có con học cùng lớp tôi đã gặp vợ chồng tôi mà tuyên bố: Nếu con anh chị mà còn đánh con tôi thì tôi sẽ đánh anh chị đấy“.
Nhiều phụ huynh lo ngại, việc các bé đánh bạn ở trường là bạo lực không thể chấp nhận được và họ thực sự bất an khi để con học chung với những ‘đầu gấu nhí’ như thế. “Rất có thể, con bị ảnh hưởng tâm lý và bắt chước tính ngang tàng của bạn?!”, chị Thu Thảo, phụ huynh có con học trường mầm non HH, nói.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thị Hòa, trung tâm An Việt Sơn thì thực tế các bé chơi với nhau rồi đánh nhau là chuyện bình thường, không nên kết luận hiện tượng này liên quan đến chuyện bạo lực. Các cháu vui, buồn, giận hờn, không hài lòng rồi đánh nhau. Nhưng ở tuổi mẫu giáo, các cháu quên rất nhanh. Trừ những cháu bị bắt nạt thái quá, liên tục, bị bắt nạt tập thể mới đáng lo ngại.