Các nhà khoa học thuộc trường ĐH Duke (Mỹ) đã phân tách kháng thể từ những tế bào miễn dịch được gọi là tế bào B trong sữa của những bà mẹ nhiễm HIV tại nước CH Malawi và phát hiện tế bào B trong sữa mẹ có thể sinh ra những kháng thể trung hòa, giúp ức chế virus gây bệnh AIDS.
Loại virus làm suy giảm miễn dịch phổ biến nhất là HIV-1 có thể truyền từ mẹ sang con thông qua sữa. Tuy nhiên theo thống kê, chỉ 1 trong 10 bà mẹ bị nhiễm HIV truyền virus này sang con của mình.
Với những bà mẹ nhiễm ‘căn bệnh thế kỷ’ thì việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể gặp rủi ro là truyền bệnh sang con. Trong khoảng 1 năm đầu đời, nguy cơ virus HIV lây sang bé rất cao. Thế nhưng thực tế lại chỉ có 10% trẻ bị truyền nhiễm. “Chúng tôi tự hỏi có ‘phép màu’ nào không? Và tế bào miễn dịch nào đã giúp 90% các bé không bị nhiễm bệnh khi bú mẹ có HIV? Nếu có, liệu chúng tôi có thể sử dụng để biến tế bào đó thành ‘chìa khóa vạn năng’ bảo vệ người bị nhiễm HIV?”, Giáo sư Sally Permar nói.
Nghiên cứu của Giáo sư Permar và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng, tế bào B trong sữa mẹ có thể sản xuất kháng thể vô hiệu virus HIV và đây là một hướng nghiên cứu mới để bào chế vác xin điều trị ‘bệnh thế kỷ’. Ngoài ra, Giáo sư Permar cũng tin tưởng rằng, kháng thể nhóm nghiên cứu tìm được trong sữa mẹ có thể được sản sinh tại các mô khác nữa của cơ thể.
Công trình nghiên cứu được giới thiệu trên Tạp chí PlosOne.