Không thể phủ nhận rằng các bà mẹ phương Tây có cách nuôi dạy con hoàn toàn khác so với Việt Nam chúng ta và họ hết sức đề cao tính độc lập cũng như tạo dựng thói quen tự suy nghĩ, tự vận động của trẻ. Điều này khiến một bộ phận không nhỏ các bà mẹ Việt Nam có xu hướng học tập và áp dụng thường xuyên khi nuôi dạy con trẻ. Vậy có nên áp dụng các phương pháp này để nuôi dạy con bạn?
Dạy con tính tự lập
Phương Tây luôn đề cao nhân quyền ngay kể cả đó là 1 đứa trẻ, vì vậy họ có những tổ chức xã hội “đủ thẩm quyền” để bảo đảm đứa trẻ không bị ngược đãi và kể cả người lạ mặt cũng sẵn sàng can thiệp nếu bạn đánh con. Điều này khiến cho cách dạy con của họ cũng khác chúng ta, họ ít khi can thiệp hay uốn nắn con theo ý họ mà để đứa trẻ có quyền tự quyết định và nhận thức, nếu đứa trẻ làm sai và nhận hậu quả họ sẽ giải thích cho trẻ biết thế nào là đúng chứ không cảnh báo trước. Vì vậy cách dạy con kiểu Tây vẫn bị nhiều người chỉ trích là quá lạnh lùng và khi trẻ lớn lên không có nhiều tình cảm với cha mẹ như người Việt.
Còn Việt Nam chúng ta thì không như vậy bởi “con ai người đó dạy”, điều này khiến cho cha mẹ Việt Nam “có nhiều quyền” hơn so với các ông bố bà mẹ phương Tây và tạo nên cảm giác con cái phụ thuộc bố mẹ hơn. Sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình người Việt cũng chặt chẽ hơn và cha mẹ sẽ luôn là người bao bọc cho con thay vì để trẻ tự tìm tòi khám phá.
Vậy để dung hòa giữa Đông Tây, chúng ta nên tạo cho trẻ những tình huống tự độc lập để giải quyết vấn đề, nhưng hãy cho chúng cảm giác không quá xa bố mẹ để vẫn “Việt Nam hóa” cách giáo dục, như vậy bạn sẽ vẫn rèn luyện con bạn những tố chất tốt mà không đi trái lại tư tưởng quen thuộc của xã hội. Hãy bắt đầu từ những hành động đơn giản như để trẻ tự đứng lên khi ngã, tự xúc khi ăn, tự tìm cách để lấy 1 đồ vật trong hộp v.v… và chỉ giúp trẻ khi thật sự cần thiết, kiên nhẫn là yếu tố tiên quyết để bạn làm được việc này. Nếu bạn làm tốt, bạn không chỉ có được một đứa con biết độc lập mà còn có tình cảm gần gũi cha mẹ đấy.
Để trẻ tự nhiên phát triển đúng lứa tuổi
Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa Tây và Việt Nam. Các bậc cha mẹ phương Tây không quá nặng nề về việc trẻ biết nói sớm hay muộn, biết mặt chữ nhanh hay chậm, biết hát hay không biết hát v.v… mà họ để trẻ cùng lứa tuổi tự chơi tự học với nhau. Họ chẳng quan tâm tới việc con mình có nổi trội hơn con hàng xóm hay không và cũng ít khi để ý con nhà người khác làm được việc gì, cái họ cần là trẻ biết chơi với trẻ cùng lứa tuổi, biết làm những điều cơ bản mà lứa tuổi đó nên biết và miễn là đứa trẻ phát triển thật tự nhiên khỏe mạnh.
Chúng ta thì không như vậy bởi tâm lý so kè vẫn rất nặng nề, điều này khiến đứa trẻ đã sớm có những áp lực từ rất nhỏ như “con phải ngoan nhất lớp”, “con phải biết hát bài nọ bài kia”… mà quên mất rằng chính những đứa trẻ nghịch ngợm mới là đứa có cá tính, phát triển tự nhiên và thông minh. Điều này chúng ta nên học phương Tây và đừng nên tạo sức ép cho những đứa trẻ đáng yêu của bạn từ quá sớm nhé.
Lựa chọn chứ không dọa nạt
Cách ra điều kiện của các bà mẹ phương Tây bao giờ cũng rất rõ ràng: hoặc con làm việc này hoặc con làm việc kia. Những điều kiện này là ngang nhau và đứa trẻ phải tự lựa chọn giải pháp cho mình, chẳng hạn: “nếu muốn đi chơi công viên thì phải làm xong bài tập”, “nếu muốn ăn khoai tây chiên thì phải nhổ cỏ trong vườn” v.v… Nhưng chúng ta lại dễ dàng cho đứa trẻ ăn một roi nếu như không chịu ăn cơm, hoặc nếu không ăn thì nhịn…, điều này sẽ đẩy trẻ vào ngõ cụt vì không có sự lựa chọn nào khác “hoặc không làm hoặc bị trừng phạt”.
Chúng ta nên bắt đầu học cách ra điều kiện hợp lý với trẻ để chúng tự biết mình phải chọn một điều để đạt được mục đích khác thay vì bị trừng phạt. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho trẻ cảm thấy yên tâm và vui vẻ khi thực hiện một “nhiệm vụ” cụ thể và tất nhiên bạn cũng không mang tiếng ác khi dạy con đấy.
Đúng hay sai? Giải thích hay lắng nghe?
Chúng ta hay có thói quen giải thích cho trẻ ngay những điều mà chúng thắc mắc và câu trả lời của chúng ta là “lý tưởng”, nhưng các bậc cha mẹ phương Tây lại hỏi ngược trở lại đứa trẻ để nghe những giải thích thú vị của chúng. Quan niệm của họ là hãy để trẻ tự tìm hiểu và tưởng tượng ra câu trả lời, điều này sẽ kích thích trí tuệ và sự sáng tạo của chúng trong tương lai. Như vậy sẽ không có câu trả lời “tuyệt đối” dành cho trẻ mà chính chúng mới đem đến câu trả lời đúng.
Chúng ta có nên áp dụng điều này không? Có lẽ “có và không”: Có là để dành cho những điều bé không thể tự tìm được câu trả lời chính xác, và Không để dành cho những điều bé nên tự tìm hiểu. Điều này giúp cho luôn có sự gần gũi của cha mẹ với con cái nhưng sẽ giúp bé có được những trí tưởng tượng thú vị và phát triển nó một cách tự nhiên.
Kết luận
Mỗi xã hội có những quan niệm và sự giáo dục khác nhau, ăn sâu qua nhiều thế hệ và không thể nói rằng cách giáo dục nào là tốt nhất. Điều quan trọng là chúng ta biết dạy con theo phương pháp hiện đại, chắt lọc những điều tốt đẹp và những tinh hoa mà bạn mong muốn dành cho con, nhưng cũng đừng quên giá trị nhân văn của con người Việt Nam và mối quan hệ gia đình gắn bó máu thịt của truyền thống người Việt nhé.