Đến thời điểm này, thị trường đồ chơi vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc và chẳng hề có dấu hợp quy, dù theo quy định mới, từ 15/4, đồ chơi trẻ em phải đóng dấu an toàn mới được bán.
Theo chuẩn, đồ chơi trẻ em dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, chỉ được bán khi đã được gắn dấu hợp chuẩn chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về độ pH, hàm lượng độc tố formaldehyt, về độ an toàn điện đối với trò chơi có dùng pin…
Phần lớn đồ chơi tại thị trường VN được nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó, việc dán quy chuẩn an toàn chỉ được thực hiện trên những món có nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu. |
Tại TP HCM, sáng 17/4, ngoài đồ chơi do các hãng nhập khẩu chính thức còn lại tất cả đều không có dấu chứng nhận đạt chuẩn an toàn.
Trên đường Ngô Nhân Tịnh, quận 6, nơi chuyên bán sỉ đồ chơi với hàng chục cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, tất cả các chủ cửa hàng đều cho biết chưa biết thông tin kinh doanh đồ chơi phải gắn dấu hợp chuẩn an toàn.
Tại đây, ngoài vài món đồ chơi nhựa được sản xuất trong nước (chưa dán quy chuẩn an toàn) thì hơn 80% đồ chơi còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc hiển nhiên không có dấu kiểm nghiệm.
“Với hàng trong nước hoặc hàng do các công ty trong nước nhập khẩu thì không khó, nhưng đối với đồ chơi Trung Quốc trôi nổi thì không thể, trong khi lượng đồ chơi loại này lại chiếm số đông”, chị Tuyết, chủ một cửa hiệu đồ chơi trên đường Ngô Nhân Tịnh nói.
Anh Hoàng, người có hai cửa hiệu đồ chơi trẻ em một ở quận 6, một ở quận 3, thừa nhận, vẫn biết kinh doanh hàng không có nguồn gốc là vi phạm nhưng loại đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch từ lâu đã trở thành hàng hóa cơ bản của các cửa hàng đồ chơi.
Tại Hà Nội, khảo sát một loạt các cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can, Chả Cá, Đội Cấn… cho thấy đủ loại đồ chơi được bày bán, từ hàng nhập ngoại đến sản xuất trong nước nhưng đều không được gắn dấu hợp chuẩn. Trong đó đến 80% là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhiều chủ cửa hàng ở đây cho biết, đã nghe thông tin về việc phải dán tem đối với sản phẩm đồ chơi từ năm ngoái. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ cơ quan chức năng cũng như những nhà nhập khẩu đồ chơi.
Đại diện công ty TNHH Tân Thuận Đức, đơn vị chuyên nhập khẩu đồ chơi bằng gỗ cho biết, từ tháng 4 năm ngoái họ đã biết có quy định đồ chơi phải được gắn dấu chứng nhận an toàn mới được bán trên thị trường. Nhưng cho đến giờ họ vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn thực hiện từ cơ quan chức năng.
Theo vị đại diện này, ngay từ khi Bộ khoa học Công nghệ có quy định, công ty đã mang sản phẩm đến Trung tâm kiểm định 1 để được gắn dấu hợp chuẩn mà không được vì không có văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, cũng theo bà vì quy định mới này yêu cầu kiểm nghiệm rất nhiều đặc tính nên có thể trong thời gian tới giá đồ chơi sẽ tăng 5-10%, thậm chí là 30%.
Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cũng cho biết, gần đây đã có một số doanh nghiệp trong nước, khi nhập khẩu mang mẫu đồ chơi trẻ em đến Trung tâm 3 để kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều.
Giải thích lý do khiến phần lớn đồ chơi trên thị trường chưa dán dấu đạt chuẩn an toàn, ông Hoàng Lâm, cho rằng, có thể do trước ngày quy định được ban hành thì số đồ chơi này đã có mặt ngoài thị trường.
Đại diện Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cũng cho biết, gần 90% đồ chơi trẻ em trên thị trường là hàng nhập khẩu chưa qua kiểm tra, chính vì thế để tạo được môi trường kinh doanh đồ chơi trong sạch thì cơ quan quản lý thị trường giữ vai trò quyết định.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, theo quy định từ 15/4 những đồ chơi có dấu hợp quy mới được bày bán, vì vậy, số đồ chơi đã tồn tại từ trước không thể nào tịch thu và bắt họ phải có tem ngay. Vì vậy, việc trên thị trường vẫn tràn lan các loại đồ chơi chưa có tem là chuyện đương nhiên.
Ông Vinh cũng cho biết, hiện Tổng cục đang trình Bộ phương án chuyển đổi cho số đồ chơi này, để trong vòng 3-6 tháng nữa sẽ phải chuyển đổi hết. Theo đó, những đồ chơi đang lưu thông trên thị trường mà chưa có tem chuẩn, với đồ chơi dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, nếu kiểm tra có hồ sơ nhập khẩu và phù hợp thì sẽ được dán dấu và lưu hành tiếp. Những loại nhập lậu, không có hồ sơ chứng nhận gì sẽ bị quản lý thị trường xử lý.
Đối với các loại đồ chơi cho trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên, trước đây không có quy định cụ thể, thì sẽ được giao cho các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thống kê, kiểm nghiệm, nếu đạt yêu cầu sẽ đạt dán dấu, còn không hợp cũng giao cho chi cục quản lý thị trường xử lý.
Theo ông Vinh, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về quy định mới, đồng thời đã gửi hướng dẫn về việc dán nhãn hợp chuẩn tới các tổ chức, các cơ sở sản xuất lớn cách đây vài tháng. Tuy nhiên, việc nhiều người bán mặt hàng này vẫn chưa biết đến quy định, cũng không có gì khó hiểu nếu họ không theo dõi tin tức. Chỉ sau ngày 15/4, khi quy định về đồ chơi hợp quy đã có hiệu lực, các cơ quan chức năng mới có thể đi kiểm tra, nhắc nhở được đối tượng này.