Trên tạp chí Child Development mới đang tải một kết quả nghiên cứu mới cho thấy những đứa trẻ bị béo phì thường có xu hướng học môn toán kém hơn những đứa trẻ có cân nặng bình thường khác.
Trong nghiên cứu, Sara Gable thuộc Trường Đại học Missouri (Mỹ) và đồng nghiệp đã dùng dữ liệu gồm 6.250 trẻ từ khi chúng học lớp mẫu giáo cho tới khi học lớp 5. Cân nặng và chiều cao của trẻ được đo tại 5 thời điểm trong suốt quá trình nghiên cứu để tính chỉ số khối cơ thể (BMI) của trẻ. Trẻ được xếp vào 1 trong 3 nhóm nhóm dựa vào cân nặng: chưa bao giờ thừa cân (80% trẻ), liên tục bị thừa cân (12%) hoặc thừa cân khởi phát muộn – thừa cân khi ở lớp 3 hoặc lớp 5 hoặc cả hai (8%).
Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ cha mẹ và thầy cô qua bảng câu hỏi mở rộng về trẻ. Thầy cô được yêu cầu đánh giá về các mối quan hệ bạn bè và hành vi tiếp thu của trẻ. Trẻ được làm các bài kiểm tra toán đã chuẩn hóa tại mỗi thời điểm.
Kết quả là những trẻ bị thừa cân liên tục từ khi bắt đầu học mẫu giáo tới lớp 5 làm toán kém hơn khi bắt đầu học lớp 1.
Về kỹ năng giao tiếp với bạn bè, trẻ gái thừa cân dễ gặp rắc rối với bạn bè hơn so với trẻ cùng trang lứa có cân nặng bình thường hoặc khởi phát thừa cân muộn. Sự khác biệt không gặp ở trẻ trai.
Gable cho biết “Cha mẹ cần bảo vệ trẻ không bị béo phì tới mức có thể. Thiết lập lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa béo phì cho trẻ. Nếu trẻ bị thừa cân, điều quan trọng là phải giúp trẻ thay đổi chế độ ăn và tập luyện thường xuyên. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu giúp trẻ có một lối sống lành mạnh”.