Còn tôi dự định cho cháu đi du lịch, đi thăm Lăng Bác, đi công viên,… Quan điểm của tôi là cho cháu chơi là chính, vì quá trình học còn dài, phía trước còn những hơn 10 năm học phổ thông nữa, mới có học sinh giỏi lớp 1 chưa thể nói được điều gì….tôi chẳng tự hào gì khi con mình được học sinh giỏi, bây giờ học không đạt giỏi mới là lạ. Thế nhưng, nếu để cháu chơi là chính thì cháu lại bị lạc lõng giữa một lớp “toàn nhân tài”!
Như vậy là một năm học nữa đã kết thúc. Hôm nay, tôi muốn viết ra đây những điều mà tôi và gia đình đã trải qua suốt một năm khi con tôi học lớp 1.
Tôi đọc rất kỹ tất cả các bài báo viết về vấn đề giáo dục, cũng như bài phỏng vấn các nhà quản lý hay các thầy cô giáo trên bất kỳ báo nào. Từ đó tôi rút ra tiêu chí chọn trường cho cháu là gần nhà, và quyết không cho cháu đi học trước.
Hành trang vào lớp 1 của của cháu chỉ là thuộc bảng chữ cái và chữ số mà các cô ở trường mầm non trong quận dạy.
Ngay kỳ họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã nêu ra một loạt nội dung học tập mà các cháu lớp 1 sẽ phải học, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, cô sẽ cho thêm những kiến thức nâng cao, đó là những phiếu học tập và bài đọc để các cháu luyện tập tại nhà.
Thế rồi từ đầu năm học, ngoài thời gian học trên lớp (học cả ngày), về nhà cháu phải hoàn thành khối lượng bài học ở nhà cô giao. Hôm thì tập viết, hôm thì làm toán, viết vào vở ô li có mẫu chữ, làm bài tập tiếng Việt in, bài tập toán in, cuối tuần thì có toán cuối tuần.
Kết quả là ngày nào cũng như ngày nào, cứ về đến nhà là vợ tôi chuẩn bị cơm nước, tôi chuẩn bị tắm cho hai con, ăn cơm xong là một người trông đứa nhỏ, một người kèm đứa lớn học bài.
Hôm nào sớm thì 21 giờ, hôm muộn thì 22 giời mới xong, rồi nhanh chóng đi ngủ để mai dậy sớm kịp đến lớp đúng giờ. Nhiều hôm cháu làm bài không xong, tôi bảo cháu đi ngủ đi mai làm tiếp, nhưng cháu rất sợ cô mắng nếu không làm xong. Có lần làm bài sai trên lớp, cô phạt về nhà phải làm lại 5 lần bài sai vào vở.
Sau hai tháng học, cô phê cháu viết chữ xấu lắm, đặt bút toàn sai vị trí thôi. Điều này đúng quá vì cháu đã biết viết đâu mà chả xấu. Cô bảo về nhà bố mẹ kèm thêm con học, hướng dẫn con viết nét cho đúng.
Chúng tôi có phải là thầy giáo đâu mà biết hướng dẫn con viết cho đúng? Nhiều phụ huynh còn hướng dẫn con viết không đúng nét chữ, đến lớp cô sửa cho mới viết đúng.
Rồi chúng tôi lại phải đọc sách, tập viết, tập làm toán lớp 1 để hướng dẫn con học. Nhiều bài toán và tiếng Việt lớp 1 khó thật, ngay cả bố mẹ các cháu còn nghĩ mãi mới làm được, thế mà không hiểu sao lại bắt các cháu lớp 1 học.
Trong quá trình học, khi đi đón cháu, tôi có xem bài của nhiều cháu, quả nhiên thấy nhiều cháu viết rất đẹp, làm toán rất nhanh. Các cháu mới bắt đầu vào lớp 1 nhưng chịu áp lực rất lớn từ các bậc phụ huynh và cô giáo.
Nhiều phụ huynh cảm thấy rất tức giận khi con mình học không bằng bạn, rồi ép con học thật nhiều, có người còn mời cả gia sư về để kèm. Kết quả là các cháu hầu như không có thời gian chơi, suốt ngày hết học ở lớp rồi lại học ở nhà.
Có lẽ trên tất cả các ngôi trường, đều có dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đầu năm học tôi chỉ cho cháu dòng chữ đó, thì cháu có hỏi rằng lễ là gì và văn là gì.
Tôi có giải thích nôm na cho cháu, lễ tức là lễ phép, phải biết vâng lời thầy cô, vâng lời bố mẹ, gặp người lớn phải chào hỏi. Còn học văn tức là học chữ.
Thực tế thì sao? Mới vào đầu năm học là bắt đầu nhồi cho các cháu học, học thật nhiều kiến thức, không biết các cháu có tiếp thu được không. Trong khi kỹ năng sống thì không thấy dạy.
Chẳng mấy chốc đã đến kỳ thi học kỳ I, một số phụ huynh muốn cho con mình đạt điểm cao đã tập hợp lại xin cô dạy thêm. Mục đích dạy thêm hoàn toàn không xấu, nếu đó là kèm cặp, phụ đạo cho những em học kém. Nhưng đằng này, trong lớp học thêm có những bạn học rất giỏi. Việc học thêm được duy trì đến khi thi học kỳ II.
Để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, cô giáo chủ nhiệm luyện cho các cháu rất kỹ những kiến thức, những dạng bài tập sẽ thi. Cô còn cho làm cả những đề thi của năm trước, để các cháu luyện.
Kết quả là, tổng kết năm học vừa rồi, lớp có 45 cháu thì có 41 cháu đạt học sinh giỏi. Trong đó có đến 30 cháu 4 bài kiểm tra toàn 10 (hai bài kiểm tra học kỳ I, hai bài kiểm tra học kỳ II). Một thành tích ngoài mong đợi!
Rõ ràng là việc thi cử như vậy quá hình thức và mang nặng tính thành tích, không có giá trị phân loại. Điều quan trọng là, ngay từ lớp 1 các cô (và cả đóng góp của một số phụ huynh) đã dạy các cháu cách học đối phó. Không biết kiến thức của các cháu đến đâu, nhưng bằng mọi giá thi phải đạt điểm cao.
Tôi còn có một chị họ có con học lớp 8, muốn cho con đạt điểm cao còn hướng dẫn còn làm phao để đi thi, thậm chí còn hỗ trợ con làm phao! Tôi không hiểu được tại sao lại dạy con trẻ những điều như vậy? Trong thời đại này điểm cao quan trọng thế ư?
Rồi kết thúc năm học, mọi người hỏi thăm nhau, đại loại có những câu như: cháu có được học sinh giỏi không? Điểm thi được bao nhiêu? Người có con được điểm cao thì cảm thấy hãnh diện, tự hào, người có con điểm thấp thì tỏ vẻ không vui. Rồi có người con được điểm cao còn nói những câu “móc”, tỏ vẻ con mình học giỏi hơn con người khác.
Tôi còn nhớ hồi tôi học lớp vỡ lòng (lớp 1 bây giờ) là vào năm 1982, cả một năm học không hề có bài kiểm tra nào. Cuối năm, cô đánh giá học lực của lớp hoàn toàn dựa vào chủ quan của cô. Cả lớp chỉ có 2 bạn đạt xuất sắc và được phần thưởng thôi. Còn bây giờ thì sao?
Để ghi nhận thành tích học tập của 1 năm, các cháu dù là học sinh giỏi, hay học sinh tiên tiến đều được giấy khen của nhà trường và một số phần thưởng khác do ban phụ huynh tặng. Tôi thấy các cháu chẳng trân trọng phần thưởng của mình chút nào, bởi vì nó đạt được quá dễ.
Và để con mình học giỏi và giỏi hơn nữa, các cháu vừa mới nghỉ hè nhiều phụ huynh đã lên kế hoạch cho con đi học thêm hè. Nào là học viết, học toán, học vẽ, học đàn, hát, tiếng anh v.v… Nhiều lúc tôi tự hỏi, trẻ em bây giờ học cho ai?
Còn tôi dự định cho cháu đi du lịch, đi thăm Lăng Bác, đi công viên,… Quan điểm của tôi là cho cháu chơi là chính, vì quá trình học còn dài, phía trước còn những hơn 10 năm học phổ thông nữa, mới có học sinh giỏi lớp 1 chưa thể nói được điều gì.
Và tôi cũng chẳng tự hào gì khi cháu được học sinh giỏi, bây giờ học không đạt giỏi mới là lạ. Thế nhưng, nếu để cháu chơi là chính thì cháu lại lạc lõng giữa một lớp “toàn nhân tài”!
Trên nhiều bài báo tôi thấy có những câu như, cần phải giảm chương trình học nhiều hơn nữa, hay hãy trả lại tuổi thơ cho trẻ. Nhưng không biết đến bao giờ các cháu mới được chơi và học phù hợp với độ tuổi của mình.
Qua đây, tôi cũng phần nào hiểu được tại sao lại có sự kiện xảy ra tại Trường thực nghiệm Hà Nội, một ngôi trường không đặt nặng vấn đề thành tích.