Trẻ lên 1 – 2 tuổi đã học hỏi được rất nhiều cái mới. Ở tuổi này, hệ thần kinh và các điểm kết nối quan trọng về cơ bản đã hoàn thành. Đây chính là thời điểm lý tưởng để bạn có thể áp dụng các phương pháp giáo dục trí tuệ cho bé, để phát triển trí tuệ cho trẻ trong giai đoạn này, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau.
Phát triển ngôn ngữ
Đây là thời điểm con bạn bắt đầu tập nói, nên việc phát triển về ngôn ngữ cho trẻ thông qua việc dạy bé nói là một việc làm rất cần thiết. Để giúp trẻ tập nói, bạn cần thường xuyên trò chuyện với bé bằng những câu ngắn, rõ ràng, dễ hiểu, phát âm đúng. Bé đang tập nói những câu đầu tiên trong đời, với những tiếng ngọng nghịu rất dễ thương. Chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau.
Dắt trẻ đi chơi và ngắm cảnh vật: khi được hơn 1 tuổi, bé vừa mới biết đi, chúng ta có thể dắt bé đi cùng, giúp bé nhìn, nghe và nói. Ví dụ, khi nhìn thấy cây hoa sữa, bạn có thể nói với bé “con xem đây là cây gì? Đây là cây hoa sữa. Con thấy cây này có to không?”… Qua cách giới thiệu này, trẻ sẽ nhanh biết nói và có thông tin về các loại đồ vật, các loại cây… và sẽ càng nhanh hơn nếu được bạn nhắc đi, nhắc lại.
Trò chuyện với trẻ: Khi trẻ được 18 tháng tuổi, trẻ chỉ phát ra một số âm thanh, nói một số từ đơn giản, vẫn chưa đạt được trình độ nói chuyện với người lớn. Nhưng, lúc này trẻ luôn muốn tìm hiểu và có hứng thú với ngôn ngữ. Như vậy, cần nói chuyện thường xuyên với bé, nói cho bé biết những việc mình cần làm, những thứ nhìn thấy và cả những âm thanh mình nghe được, để bé sống trong thế giới có đầy đủ ngôn ngữ.
Luyện nói trong quá trình giao tiếp: cha mẹ nên thường xuyên nói cho bé biết là mọi người đều yêu quý bé, muốn làm bạn với bé, vì thế khi mọi người hỏi, bé phải trả lời và dạy bé một số câu chào hỏi: “Cháu chào bà”; “Con chào bố”; “Cảm ơn”; “Xin lỗi”…
Đọc sách cùng bé: Khi 14 tháng, trẻ đã bắt đầu biết mở sách, các bé có hứng thú với những bức tranh và chữ trong sách. Lúc 17 tháng, trẻ có thể lật sách từ phải qua trái, có thể nhận biết được hình vẽ. Lúc này là thời điểm thích hợp để cha mẹ bồi dưỡng sự hứng thú cho trẻ với sách, bằng cách mua cho trẻ những cuốn truyện tranh, phù hợp.
Phát triển trí tuệ vận động
Khi rèn luyện trí tuệ vận động cho bé, cần nhớ rằng không chỉ hạn chế ở việc rèn luyện cơ thể máy móc, mà cần phải xuất phát từ góc độ phát triển tổng thể, tiến hành theo các phương pháp phù hợp với trẻ. Hơn nữa, trẻ vốn rất hiếu động, chúng ta cần áp dụng các hình thức phong phú, đa dạng mới có thể hấp dẫn trẻ tích cực hoạt động, đạt được mục đích thúc đẩy sự phát triển vận động của trẻ.
Giúp bé tập đi: Nếu bé chưa tự bước đi vững một mình, bạn có thể dắt tay bé, tập cho bé đi lấy đồ chơi, đi đến chỗ bà đang vẫy bé… Lúc đầu, bạn dắt bé với 2 tay, sau đó là 1 tay. Như vậy, bé sẽ nhanh biết đi hơn là trông nhờ vào xe tập đi. Nhiều gia đình do quá cưng chiều bé nên luôn bế bé trên tay, ít khi để bé đi một mình nên bé ít được tập đi và kết quả là bé sẽ chậm biết đi hơn các trẻ khác. Khi bé tập đi, để đề phòng bé bị ngã đau, bạn hãy luôn theo sát bé trên từng bước đi để kịp thời nâng đỡ khi bé ngã.
Những đồ chơi phù hợp với bé: đó là những đồ chơi giúp bé tập đi như: xe đẩy, quả bóng… Ngoài ra, đồ chơi giúp bé làm quen với thế giới xung quanh như: những con thú bằng nhựa, thú nhồi bông, sách có hình những con thú dễ thương, những hình khối to để bé tập xây nhà… Tóm lại, bạn nên tận dụng các đồ chơi để bé tập bỏ đồ chơi vào giỏ, rồi lại lấy ra, tập cho bé khả năng cầm nắm giữa ngón cái và ngón trỏ ngày càng khéo léo hơn.
Phát triển trí tuệ toán học
Từ lúc chào đời, trẻ đã sống trong một thế giới toán học, trẻ đã tiếp xúc với các khái niệm như: lớn, bé, nhiều ít, thứ tự…Trí tuệ toán học của trẻ chủ yếu bao gồm khả năng sắp xếp, phân loại và nhận thức đối với các chữ số toán học và phát triển tri giác không gian. Hãy biến các khái niệm toán học thành các trò chơi thú vị cho trẻ. Ví dụ, cho bé có khả năng nhận biết về số lượng nhiều hay ít, bằng cách: đặt loại kẹo bé thích vào 2 bát, một bát để 2 chiếc và một bát đựng 10 chiếc. Sau đó hỏi bé thích bát nào hơn? Vì sao, bé lại thích bát có 10 chiếc? Vì nó có nhiều kẹo hơn phải không?…
Phát triển trí tuệ không gian
Thị giác và khả năng nhận thức của trẻ 1 tuổi phát triển nhanh chóng, chúng không chỉ biết phân biệt những màu sắc và hình dạng đơn giản, mà còn bắt đầu sản sinh khái niệm đối với khối lập thể, dần dần bắt đầu tích luỹ nền tảng. Đây là bước tiến bộ trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Cần giúp trẻ bồi dưỡng khả năng quan sát nhạy bén đối với sự nhận biết về màu sắc, hình dạng lập thể, kích thích trí tuệ không gian phát triển ở trẻ. Chúng ta có thể giúp trẻ theo các phương pháp sau.
– Cảm nhận khái niệm không gian bằng vận động các chi: Lúc này trẻ làm quen với việc bò khắp nơi, cũng chập chững tập đi, quan sát tất cả sự vật xung quanh bằng cặp mắt hết sức hiếu kì. Cha mẹ tạo điều kiện an toàn cho bé tập bò và tập đi. Cha mẹ cũng cần đưa trẻ đến những không gian thoáng đãng, những phong cảnh đẹp và chỉ cho trẻ biết…
– Thưởng thức tác phẩm hội hoạ: Trong giai đoạn này có thể giúp trẻ thẩm định cái đẹp, rèn luyện sự nhạy cảm với đường nét, màu sắc, hình dạng có lợi cho sự phát triển tư duy sáng tạo và sức tưởng tượng. Chúng ta có thể đưa trẻ đi xem những tác phẩm hội họa thiếu nhi, giải thích cho trẻ về màu sắc..
– Bồi dưỡng khả năng phán đoán cho trẻ: Cho trẻ chơi ghép hình phù hợp để bồi dưỡng khả năng phán đoán cho trẻ.
– Tri giác vị trí: Vẽ một vòng tròn và đặt trẻ vào trong, mẹ đứng bên ngoài, sau đó đổi vị trí cho trẻ, hoặc giúp bé chơi trò này với các đồ chơi: gấu bông, búp bê.. Hay, chúng ta có thể đặt ví trí các con vật trước, sau…
Rèn luyện trí tuệ âm nhạc
Cần tạo cho trẻ một không khí âm nhạc, bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ. Khi trẻ chơi hoặc ăn, chúng ta hãy mở các bài hát thiếu nhi, có tiết tấu nhanh và vui vẻ như: “một con vịt”, “chú voi con”… Khi trẻ ngủ, mở những bài hát hát ru, nhẹ nhàng… Bé lớn hơn, chúng ta có thể hướng dẫn bé tự chọn bản nhạc bé ưa thích.
Khả năng tự nhận thức
Trẻ sơ sinh đã có khả năng tự nhận thức, tuy nhiên một vài khả năng tự nhận thức của trẻ cần dựa vào sự bồi dưỡng của cha mẹ, người lớn. Chúng ta có thể theo những phương pháp sau.
– Đặt trẻ đứng trước gương, lúc đầu là giảng giải cho trẻ hiểu. Sau đó, để trẻ có điều kiện thường xuyên soi gương và khám phá bản thân mình.
– Nhận biết cơ thể mình, đồ vật của mình và của người khác: Hỏi mũi bé ở đâu? Mắt? Tay… Cha mẹ cần nhẫn nại hướng dẫn bé, để bé tự so sánh cơ thể mình và gọi tên các sự vật. Trẻ gần 2 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ nhận biết về giới tính nam – nữ…
– Nhận biết về tâm trạng: Dùng lời lẽ mà trẻ có thể hiểu được để giải thích cho trẻ về tâm trạng như: Con hãy cười nào? Làm xấu? Khóc nhè…
– Dạy trẻ tự lập: tự chơi một mình, tự bò và tự bước đi…
Ngoài ra, cần quan tâm dạy trẻ học cách nhận biết tính cách của mình, đánh giá mình, tôn trọng người khác…